Ra đời vào khoảng năm 2010, tính đến cuối năm 2014, đã có 32 ngân hàng triển khai dịch vụ Mobile Banking (trong khi Internet Banking là 42 ngân hàng). Sự phát triển của kênh giao dịch mới này được thúc đẩy mạnh khi lượng thiết bị di động, bao gồm cả điện thoại và máy tính bảng gia tăng lên rất nhanh trong vài năm trở lại đây. Bên cạnh đó hệ thống kế nối Internet không dây (từ 3G của các nhà mạng) cho phép người dân giữ các thiết bị của mình trực tuyến 24/24, miễn là nơi đó có sóng viễn thông cũng giúp dịch vụ luôn được duy trì kết nối.
Nhưng sau những đợt bùng nổ về số lượng tài khoản, để thu hút và giữ chân người dùng thì các ngân hàng phải tăng cường đầu tư vào những tiện ích thiết thực. Khi mới ra đời, các dịch vụ của Mobile Banking khá đơn giản, chẳng hạn như truy vấn thông tin về tài khoản, dò tìm địa điểm các chi nhánh ngân hàng, ATM hay nạp tiền điện thoại.
Tiếp đến chức năng của Mobile Banking cũng được nâng cấp dần lên. Chẳng hạn như chuyển tiền giữa các tài khoản trong cùng hệ thống hay khác hệ thống, thanh toán các hóa đơn, dịch vụ mua sắm khác, kể cả kết nối với kênh chứng khoán, cung cấp và hỗ trợ các thông tin tài chính, kinh tế đơn giản… Một xu hướng tất yếu là những sản phẩm trên kênh Mobile Banking sẽ đồng nhất với các kênh bán hàng khác. Theo đó, một sản phẩm được cung cấp tại chi nhánh thì đồng thời cũng có mặt trên Internet Banking lẫn Mobile Banking.
Đơn cử Ngân hàng TMCP Bản Việt vừa giới thiệu phiên bản ứng dụng Mobile Banking mới cập nhật nhiều chức năng vào giữa tháng 8 vừa qua. Trong đó có chức năng chuyển tiền nhanh 24/7. Với chức năng này, khách hàng có thể chuyển khoản ngoài hệ thống (chỉ áp dụng với 11 ngân hàng liên minh trong BanknetVN) vào bất kỳ lúc nào. Tiền sẽ đến tài khoản người nhận ngay lập tức khi giao dịch thực hiện thành công.
Chức năng này là một trong những dịch vụ quan trọng mà BanknetVN – đơn vị phụ trách chuyển mạch tài chính quốc gia (trước là Smartlink, nay đã hợp nhất với BanknetVN và đổi tên) hợp tác với các ngân hàng triển khai trong thời gian qua. Những ngân hàng nằm trong liên minh BanknetVN sẽ nhận được giá trị tăng thêm này. Chức năng này đã xuất hiện khá nhiều trên Internet Banking, nhưng trên kênh Mobile Banking thì vẫn còn hiếm hoi.
Những tiện ích khác có thể kể đến như: chuyển khoản trong hệ thống từ số tài khoản qua thẻ, quản lý danh sách người thụ hưởng, nạp tiền điện thoại nhanh cho chủ tài khoản và cho số điện thoại trong danh bạ, hiển thị lãi suất tiền gửi, tỷ giá ngay cả khi khách hàng không kết nối Internet. Hệ thống còn tự động định vị vị trí của khách hàng và hướng dẫn đoạn đường gần nhất đến các điểm giao dịch, ATM, điểm khuyến mãi của Viet Capital Bank, lọc thông minh lịch sử giao dịch theo từng tuần, từng tháng…
Mobile Banking không còn là hướng đi mới và chuyện đưa các tiện ích mới cũng là chuyện nằm trong tầm tay của các ngân hàng. Tuy nhiên, điều mà các ngân hàng cần vượt qua là giải quyết tâm lý lo ngại về tính bảo mật của ứng dụng và gia tăng sự tự tin khi giao dịch của khách hàng.
Theo báo cáo Mobile Banking năm 2015 của KPMG, kênh mobile giúp tiết kiệm đến 43 lần so với một chi nhánh, 13 lần so với call center, 13 lần so với ATM và hai lần so với kênh online (tức Internet Banking). Hơn nữa, các thiết bị di động này cũng là vật sở hữu của từng cá nhân. Mobile là kênh phát triển mạnh mẽ nhất trong số các kênh giao dịch phổ biến của ngân hàng, tỷ lệ số hộ sử dụng năm 2010 là 14% đã lên đến 41% năm 2013.
Minh Trí