Hành trình đắt đỏ của bản quyền Ngoại hạng Anh tại Việt Nam

2007 là năm bước ngoặt trong câu chuyện bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh tại Việt Nam. Khi đó Đài truyền hình kỹ thuật số VTC chi ra 3,972 triệu đôla để mua bản quyền trong ba mùa giải từ 2007 đến 2010, từ công ty ESS (ESPN Star Sports). Trong đó số tiền cho mùa 2007-2008 là 1,2 triệu đôla, các mùa sau tăng lũy tiến thêm 10%. Trong ba mùa giải này, người hâm mộ Việt Nam muốn xem Ngoại hạng Anh phải bỏ tiền mua đầu kỹ thuật số của VTC và trả tiền thuê bao hàng tháng.

Trước đó giải bóng đá số một xứ sở sương mù được phát trên các kênh truyền hình quảng bá, đồng nghĩa với việc người hâm mộ tại Việt Nam được xem miễn phí.

ban-quyen-truyen-hinh-ngoai-hang-anh-tai-viet-nam

Giá bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh tại Việt Nam tăng phi mã.

Năm 2010, MP&Silva nhảy vào cuộc rồi vượt mặt ESS, thắng thầu bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh tại Việt Nam trong ba mùa từ 2010 tới 2013. Công ty của Italy chi ra 13 triệu đôla và thu về khoản lãi gần sáu triệu đôla sau khi bán lại cho các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam.

Cụ thể, VSTV (gọi tắt là K+) phải chi ra chín triệu đôla (chưa tính phí kỹ thuật và VAT) để mua độc quyền các trận đá vào chủ nhật và các trận không độc quyền đá vào các ngày còn lại trong tuần. VTVcab tốn hai triệu đôla để mua gói các trận không độc quyền. MP&Silva đút túi thêm 4,5 triệu đôla khi bán gói các trận không độc quyền cho SCTV (hai triệu đôla), Đài truyền hình Hà Nội và Đài truyền hình TP HCM (2,5 triệu đô la). Ngoài ra, công ty của Italy còn thu thêm một khoản từ các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên internet như VNPT, FPT…

Năm 2013 MP&Silva đã để tuột “con gà đẻ trứng vàng” này, sau khi thua công ty Trans World International (IMG) trong cuộc đấu giá ba mùa từ 2013 tới 2016. Công ty của Mỹ bán lại cho các đối tác Việt Nam với mức giá cao gấp ba so với ba mùa trước đó.

Trong đó K+ đã phải chi ra 33,5 triệu đôla để độc quyền các trận đấu ngày chủ nhật và không độc quyền các trận đấu khác trong tuần (được chọn một trận để độc quyền ngày thứ bảy). VTVcab chi 2 triệu đôla, SCTV là 2,1 triệu đôla để được phát sóng các trận không độc quyền. VTC chỉ mua bản quyền truyền hình hai mùa 2014-2015 và 2015-2016 với giá 200.000 đôla. IMG cũng thu thêm hàng triệu đôla khi bán lại bản quyền cho các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên nền tảng internet như Viettel, VNPT, FPT…

Trong lịch sử, mới chỉ có một lần VTV tham dự đấu thầu trực tiếp với The Premier League nhưng thất bại. Các đài truyền hình của Việt Nam đều phải “mua lại” từ các công ty nước ngoài. “Các công ty nước ngoài đã tận dụng việc các đài truyền hình Việt Nam không liên kết, đấu thầu trực tiếp với The Premier League, họ mua lại và đàm phán bán gói riêng lẻ cho các đối tác rồi thu lợi lớn”, một thành viên của Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam chia sẻ.

Thực tế các đài truyền hình Việt Nam đã lên kế hoạch thành lập liên minh đấu thầu bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh ba mùa từ 2013 tới 2016. Tuy nhiên, vào phút chót thì đổ bể do không tìm được tiếng nói chung. Các bên có tài chính, phương thức đấu giá và phương thức kinh doanh khác nhau.

Ngày 3/11 vừa qua, The Premier League cũng đã tổ chức đấu giá bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh ba mùa từ 2016 tới 2019. Theo thông tin của VnExpress, không có đài truyền hình nào của Việt Nam tham gia. Nhiều khả năng, họ sẽ lại phải mua từ một công ty của nước ngoài như các năm trước.

Hiện tại chưa có thông tin về công ty thắng thầu bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh tại Việt Nam. Đối tác này chưa xuất đầu lộ diện và chưa gửi báo giá tới bất kỳ đài truyền hình nào. Tuy nhiên một số nguồn tin cho rằng mức giá cho gói bản quyền trong ba năm tiếp theo sẽ “rất khủng khiếp”.

Mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn đề nghị các đài truyền hình và đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền cùng phối hợp trong đàm phán bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh trên tinh thần không chấp nhận mua bằng mọi giá.

Lâm Thỏa

0913.756.339