Hãng hàng không được góp không quá 30% vốn sân bay

Đây là một trong những nội dung đáng chú tại Nghị định 102 quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam, vừa được Chính phủ ban hành, sẽ có hiệu lực từ 12/12 tới.

Quy định này được đưa ra trong bối cảnh các hãng hàng không nội như Vietnam Airlines hay Vietjet Air đang muốn giành quyền khai thác một sân bay hoặc một vài nhà ga hành khách mà Bộ Giao thông đang muốn thí điểm nhượng quyền, như Phú Quốc hay T1 Nội Bài.

hang-hang-khong-duoc-gop-khong-qua-30-von-san-bay

Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối tại phần lớn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không

Nghị định mới cũng quy định room với nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào lĩnh vực này. Cụ thể, đối với doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác khu bay, dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát, dịch vụ khí tượng hàng không, tỷ lệ vốn góp tối đa là 30% vốn điều lệ. Phần vốn Nhà nước tại các đơn vị này cũng không được thấp hơn 65%. 

Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga hành khách, hàng hóa, dịch vụ cung cấp xăng dầu hàng không, phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất, tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài cũng không được vượt quá 30%. Riêng các dịch vụ không lưu, thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn thì chỉ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mới được thực hiện.

Nghị định nhấn mạnh, doanh nghiệp cảng hàng không, cung cấp dịch vụ hàng không tại sân bay phải là pháp nhân Việt Nam. Liên quan đến tỷ lệ vốn tối thiểu, quy định này yêu cầu đối với việc thành lập và duy trì điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp cảng hàng không, cung cấp dịch vụ hàng không tại sân bay không quốc tế là 200 tỷ đồng. Trong khi con số này với công ty kinh doanh tại cảng hàng không nội địa là 100 tỷ đồng Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga, khu bay, bảo đảm hoạt động bay, cung cấp xăng dầu, phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; cung cấp suất ăn hàng không, vốn tối thiểu là 30 tỷ đồng. Còn vốn tối thiểu đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị hàng không; dịch vụ kỹ thuật hàng không; dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không là 10 tỷ đồng.

Góp ý với Chính phủ về chủ trương thí điểm nhượng quyền khai thác cảng hàng không của Bộ Giao thông vận tải hồi giữa năm nay, Bộ Tài chính từng lưu ý việc xây dựng tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp phải được rà soát chặt chẽ. “Không nên chuyển nhượng quyền khai thác các sân bay cho các hãng vận chuyển hàng không vì có thể tạo nên cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh”, Bộ Tài chính khi ấy từng cảnh báo.

Chí Hiếu

0913.756.339