Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất đưa dự án nhiệt điện than Long An 2, công suất 1.600 MW gồm hai tổ máy vào quy hoạch điện giai đoạn 2011 – 2020 có xem xét tới năm 2030 (quy hoạch điện VII). Dự án được Tổng Công ty điện lực Hàn Quốc (KEPCO) và Công ty TNHH Vinakobalt Long An đề xuất đầu tư, theo hình thức xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT).
KEPCO hiện đang quản lý vận hành và độc quyền quản lý hệ thống phân phối truyền tải điện của Hàn Quốc. Doanh nghiệp này đang thực hiện 31 dự án điện lớn tại 18 quốc gia khác nhau, trong đó có nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 tại Thanh Hóa, công suất 1.200 MW.
Long An muốn triển khai dự án nhiệt điện tại Cần Giuộc trước Cần Đước. |
Theo dự kiến, nhà máy được triển khai trên diện tích 133ha thuộc xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Công trình sử dụng than nhập khẩu từ Australia hoặc Indonesia với nhu cầu 3,5-4,5 triệu tấn một năm, giá phát điện tạm tính là 7,53 cents/kWh. Tổng mức đầu tư 3,17 tỷ USD, dự kiến vận hành giai đoạn 2022 – 2023.
Theo quy hoạch điện VII, Long An sẽ xuất hiện một dự án nhiệt điện Long An công suất 1.200 MW tại huyện Cần Đước vận hành năm 2024, chưa được xác định chủ đầu tư. Dự án nhà máy nhiện điện Long An 2 công suất 1.600MW trên chưa có trong quy hoạch, tuy nhiên, theo ý kiến của tỉnh Long An gửi Bộ Công Thương, địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy nhiệt điện 1.600 MW thuận lợi hơn về mặt bằng và quy hoạch cảng, luồng tàu, do đó, tỉnh đề xuất dự án nhiệt điện tại huyện Cần Giuộc triển khai trước dự án tại huyện Cần Đước.
“Bộ Công Thương kiến nghị tổ chức thực hiện lập quy hoạch địa điểm trung tâm điện lực Long An để tập trung hai nhà máy vào cùng một trung tâm nhiệt điện nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư, tận dụng cơ sở hạ tầng chung và hệ thống lưới điện truyền tải”, văn bản của Bộ này nêu.
Về phía Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cơ quan này góp ý cần làm rõ sự cần thiết bổ sung dự án nhiệt điện Long An 2 vào quy hoạch. Trong trường hợp địa phương chỉ cần xây một nhà máy trong giai đoạn của quy hoạch điện VII, Bộ đề nghị xem xét các điều kiện đầu tư xây dựng nhà máy mới so với Nhiệt điện Long An đã được quy hoạch để có phương án hiệu chỉnh nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
Trong khi đó, Bộ Tài chính đồng tình với việc xây nhà máy điện công suất 1.600 MW nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, hạn chế việc phải truyền tải điện từ khu vực miền Trung và miền Bắc cho khu vực phía Nam. Tuy nhiên, Bộ cũng đề nghị Long An làm rõ vấn đề tổng mức đầu tư.
Theo thuyết minh báo cáo đầu tư, tổng vốn dự án là 3,17 tỷ USD, song thiếu các yếu tố công nghệ, phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư… nên chưa đủ tin cậy. Vì vậy, trong trường hợp được Thủ tướng cho phép là nhà đầu tư phát triển dự án, Bộ Tài chính đề nghị chủ đầu tư cập nhật chuẩn xác các thông số đầu vào để tính lại tổng mức đầu tư nhằm đảm bảo tính chính xác và phù hợp.
Về nguồn vốn đầu tư, cơ cấu hiện tại là 20% vốn chủ sở hữu và 80% đi vay, tương đương với việc phải đi huy động từ bên ngoài hơn 2,5 tỷ USD – một con số khá lớn. Bởi thế, chủ đầu tư cần có phương án huy động vốn chủ sở hữu, vốn vay và cam kết bố trí vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ vốn đăng ký, đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ, tránh gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Huyền Thư