Hai lần khởi nghiệp với nến thơm

Có đam mê với những viên nến từ nhỏ nên khi là sinh viên năm thứ hai trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, anh Dương Hoàng Thông (sinh năm 1981, Gia Lâm, Hà Nội) đã tham vọng làm giàu từ chính những cây nến tự tay làm ra.

Tuy nhiên, do chưa có điều kiện để tìm hiểu về công nghệ làm nến, sẵn có người quen tại làng Bát Tràng, anh bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ sản phẩm gốm sứ. Lô hàng đầu tiên với 7 mẫu ly nến do anh mày mò ròng rã 3 tháng trời từng thu được thành công bước đầu năm 2002. Tuy nhiên, khi sản phẩm được bán rộng rãi, nhiều người làm theo, sản phẩm bị phá giá, cạnh tranh… Thấy không ổn, anh Thông mới quyết định chuyển sang làm một sản phẩm vốn yêu thích từ trước đó là nến. Năm 2004, anh quyết định bỏ dở việc học để tập trung sản xuất nến thơm khi đang học năm thứ 4.

nen-tuyp-2593-1420024245.jpg

Ống đén tuýp được anh Thông dùng làm lọ đựng nến gel.

“Ngoài tính mỹ thuật, vai trò nội thất, phong thủy, nến có nhiều ý nghĩa về mặt tâm linh, tôn giáo. Khi đó mình luôn có cảm nhận 10 năm nữa nến sẽ là một mặt hàng yêu thích và gần gũi với mọi người”, anh Thông chia sẻ.

Năm 2005 tình cờ biết được chương trình Khởi nghiệp trên sóng truyền hình tuyển người chơi, đúng lúc anh đang cần vốn. Quyết tâm chinh phục số tiền thưởng bằng được anh Thông mạnh dạn đem dự án “Sản xuất nến thơm” đến tranh tài. Vượt qua 60 thí sinh cùng dự thi, cuối cùng anh là một trong hai người chiến thắng với số tiền thưởng 200 triệu đồng.

Sau khi được “cấp vốn”, năm 2006, anh Thông quyết định thành lập doanh nghiệp, mở rộng hệ thống phân phối với 3 cửa hàng trong nội thành. Nhìn thấy tiềm năng của kinh doanh online, trang web bán hàng cũng đã được lập. Từ đây mà sản phẩm nến thơm đã nhận được sự quan tâm của nhiều đối tác nước ngoài. Không ít doanh nghiệp từ Pháp, Úc đề nghị đặt hàng, trong đó có đơn hàng của một công ty Pháp muốn mua một container nến thơm trị giá 5 tỷ đồng… nhưng anh đã từ chối.  “Vì tư duy “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ” để tránh rủi ro, mình chỉ dám xuất một lô hàng duy nhất sang Nhật trị giá 40 triệu đồng”, anh kể lại.

thong-nen-copy-4297-1420024246.jpg

Anh Thông có kế hoạch mở hệ thống cafe nến trong thời gian tới.

Anh Thông lý giải, khi đó do vẫn chưa có tư duy quản lý một doanh nghiệp lớn, nhất là các chính sách về xuất nhập khẩu, hải quan còn rất mơ hồ. “Nếu như thời điểm này thì chắc chắn mình đã thuê một đơn vị trung gian lo mọi thủ tục để mình đảm nhiệm mỗi việc sản xuất”, anh cười và cho biết.

Hơn 27 tuổi có trong tay ba cửa hàng bán lẻ, một xưởng sản xuất với 40 lao động, doanh thu tiền tỷ hàng tháng. Nhưng sau việc không can đảm nhận các đơn hàng lớn từ nước ngoài, anh Thông vỡ lẽ ra một điều doanh nghiệp muốn phát triển bền vững quan trọng nhất vẫn là quản trị doanh nghiệp. “Quản lý một người khác quản lý 15 người, ngay cả tính toán tiền lương, hạch toán lỗ lãi, khai thuế, hàng tồn kho… mình đều thấy bối rối vì không biết xoay sở thế nào. Khi đó mình bắt đầu thấy mục tiêu kinh doanh rất chông chênh”, anh Thông thú thực.

Trong lúc do dự hoặc vẫn duy trì kinh doanh theo phương thức cũ, hoặc đi tìm những kiến thức căn bản của quản trị doanh nghiệp thì gia đình anh gặp biến cố. Không chút chần chừ, anh chấp nhận đóng cửa hàng, thu hẹp sản xuất, dành thời gian giải quyết việc gia đình và tranh thủ tham gia nhiều lớp học về kỹ năng mềm, kiến thức quản trị doanh nghiệp được tổ chức cả trong và ngoài nước.

nenthom2-copy-2677-1420024247.jpg

Nến trụ được nặn bằng tay được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Đến năm 2012, sau khi việc riêng tạm ổn, cộng các trải nghiệm quý giá đã có từ nhiều lớp học quản trị, anh Thông quyết định tái khởi nghiệp.

Để tận dụng tối đa các nguyên liệu tái chế, qua thời gian tìm hiểu và tự nghiên cứu anh đã thành công khi sử dụng dầu ăn đã qua sử dụng để tạo ra nến. Tuy nhiên, do là sản phẩm tâm linh nên hiện nay anh hạn chế  việc sản xuất nến từ dầu. Lần khác anh thấy nhiều ống đèn tuýp bị vứt bỏ, nhưng nếu không được xử lý thì có hại cho môi trường và sức khỏe con người. “Trong khi mình đang phải mua nhiều loại ly thủy tinh nhỏ để đựng nến thơm, thì tại sao không sử dụng ống đèn tuýp thay thế”, anh nói. Nghĩ là làm, anh lại mày mò và tự sáng chế ra công nghệ xử lý chất thủy ngân, xóa chất phủ trắng, đặc biệt là cách cắt và mài nhẵn các đầu đoạn ống.

Sau hai năm gây dựng lại hoạt động kinh doanh của mình đến nay xưởng sản xuất của anh đã có 5 công nhân do một tay anh đào tạo. Các sản phẩm nến chủ yếu được đổ buôn tại chợ Đồng Xuân và một số khách hàng tỉnh lẻ. Ngoài ra, anh cũng trực tiếp ship hàng đến tận nơi cho những ai có nhu cầu.

Kinh nghiệm làm nến hơn 10 năm đủ để tạo nên một doanh nghiệp thành công trên cả phương diện danh tiếng lẫn doanh thu. Nhưng với anh Thông sau 2 năm tái khởi động, xưởng sản xuất đã giúp anh có doanh thu từ 60-70 triệu đồng một tháng “cũng đã nhiều hơn anh tưởng”. Chủng loại nến cơ sở sản xuất ra cũng nhiều hơn trước với các nến thơm dạng gel, trụ… có giá từ 3.000 -150.000 đồng một chiếc. Anh chia sẻ, anh không tiếc những thời gian đã mất của mình. Mà khoảng lặng đó giúp anh trưởng thành, thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm hơn trong con đường làm giàu sau này.

“Tiền không có thể không nhiều như trước nhưng quan trọng nhất mình đã có được sự lột xác trong tư duy. Đó là các kỹ năng mềm, là chiến lược là kế hoạch để mình có định hướng cho con đường kinh doanh bền vững sau này”, anh nói.

Anh quan niệm trong kinh doanh cho đi cũng là nhận về. Do vậy không những không dấu giếm bí quyết, ngược lại anh muốn được chia sẻ tất cả các kỹ thuật, công nghệ làm nến để quảng bá rộng rãi cho mọi người biết. Thi thoảng anh tự quay clip hướng dẫn đưa lên mang internet, thậm chí cơ sở còn đóng gói nguyên liệu để khách hàng có thể tự trải nghiệm việc làm nến thơm.

Thời gian tới, sau khi sản xuất ổn định, anh dự định sẽ khai trương hệ thống quán cafe nến. Đó đồng thời sẽ là showroom để giới thiệu các sản phẩm nến thơm và là địa chỉ giao lưu trao đổi các kiến thức về nến.

Thành Tâm

0913.756.339