Hà Giang đề xuất nhiều cơ chế kinh tế đặc thù

Những đề xuất nêu trên được Bí thư Tỉnh uỷ Triệu Tài Vinh đề xuất với lãnh đạo Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan quản lý tại Hội thảo Phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hà Giang, trong mối liên kết vùng Đông – Tây Bắc, diễn ra chiều 20/3.

So với các địa phương có cùng mong muốn phát triển hoạt động thương mại biên giới (biên mậu) khác như Quảng Ninh, Lạng Sơn hoặc Lào Cai, Hà Giang không có nhiều lợi thế bằng. Cùng với việc không nằm trong các hành lang kinh tế từ Trung Quốc, điểm yếu của giao thương tại đây (cửa khẩu Thanh Thuỷ) là cơ sở hạ tầng, đường giao thông kém hơn hẳn so với Hữu Nghị (Lạng Sơn) hay Móng Cái (Quảng Ninh).

Mr-Vinh-1903-1426858937.jpg

Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang – Triệu Tài Vinh đề xuất một số cơ chế phát triển kinh tế tỉnh.

Trong khi đó, theo lãnh đạo tỉnh, dù được giữ lại 70% nguồn thu theo kế hoạch hàng năm từ hoạt động xuất nhập khẩu để đầu tư hạ tầng tại đây, song số tiền thực tế không bao giờ vượt quá 20 tỷ đồng. “Với số tiền như vậy thì bao giờ mới phát triển được hạ tầng?”, Phó chủ tịch thường trực tỉnh – Nguyễn Văn Sơn đặt câu hỏi.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, Bí thư Triệu Tài Vinh đề xuất Chính phủ cho tỉnh nghiên cứu, đề xuất một cơ chế đặc thù về việc sử dụng nguồn thu từ xuất nhập khẩu nhằm phát triển hạ tầng cửa khẩu Thanh Thuỷ. Tỉnh đồng thời cũng mong muốn được xây dựng thí điểm danh mục hàng hoá tạm nhập tái xuất nông sản qua các cửa khẩu phụ, lối mở… “Hiện nay danh mục này cứng nhắc, thiếu linh hoạt, không đáp ứng được yêu cầu phát triển giữa 2 bên”, ông Vinh nhận xét.

Ngoài 2 vấn đề nêu trên, lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng nhiều lần dùng cụm từ “cơ chế đặc thù” đối với những đề xuất khác, như mong muốn Chính phủ cho vay vốn với lãi suất đặc biệt để thành lập công ty đầu tư vốn Nhà nước; xây dựng mô hình quản lý Công viên địa chất Đồng Văn; phát triển cây dược liệu, nguyên liệu giấy… Đối với các tập đoàn, tổng công ty đầu tư tại tỉnh, Hà Giang cũng mong muốn cho các đơn vị này hưởng chính sách thuế ưu đãi…

Trước đó, trong một loạt hội thảo diễn ra vào buổi sáng, nhiều ý kiến từ các chuyên gia được Hà Giang mời tham vấn đã đề xuất địa phương những ý tưởng phát triển kinh tế biên mậu, phát triển cây dược liệu và du lịch… Tuy nhiên, chưa có nhiều ý kiến phân tích sâu về đặc thù và giải pháp cụ thể cho tỉnh Hà Giang.

Phát biểu tại hội thảo tổng kết, Trưởng ban Kinh tế Trung ương – Vương Đình Huệ đề nghị Hà Giang cần sớm xây dựng, trình Thủ tướng kế hoạch tổng thể kinh tế xã hội của tỉnh, với vai trò kết nối Đông – Tây Bắc và đặt trong không gian chung của kinh tế vùng. Kinh tế biên mậu cũng được Trưởng ban Kinh tế nhấn mạnh cần kết hợp với nông nghiệp với du lịch.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng để đạt được những mong muốn của địa phương, Hà Giang cần có bước đi bài bản, tuần tự. Theo đó, tỉnh nên tập trung vào những thế mạnh vốn có như nông nghiệp, dược liệu… Những doanh nghiệp trong các lĩnh vực này, nếu có năng lực, dự án khả thi có thể được ngân hàng cho vay với cơ chế ưu đãi.

Ghi nhận những đề xuất nêu trên, song kết luận hội thảo, Phó thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc – Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Hà Giang về việc hàng hoá Trung Quốc và ASEAN có thể tràn vào Việt Nam từ 1/1/2016, khi cộng đồng kinh tế hình thành. Do đó, chính sách biên mậu tại các tỉnh như Hà Giang cần thông minh, nhạy bén, tạo điều kiện cho sản xuất hàng hoá của trong nước.

Đại diện Chính phủ cũng lưu ý Hà Giang về công tác quy hoạch, phát triển các sản phẩm chủ lực như chè, cam, dược liệu… Ngược lại, Phó thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành nghiên cứu những vấn đề liên quan đến chính sách hạ tầng, thương mại, thuế quan, sản xuất… nhằm hỗ trợ địa phương trong thời gian tới.

Kỳ Duyên

0913.756.339