Ngày mai (3/12) là thời điểm cơ quan quản lý và doanh nghiệp tính toán, công bố điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Trao đổi với VnExpress, Phó tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) – Trần Ngọc Năm cho biết giá xăng dầu thế giới chu kỳ này không biến động theo một chiều mà có tăng giảm đan xen, mức chênh lệch giữa giá cơ sở với bán lẻ hiện tại không nhiều.
“Khó đoán định diễn biến giá trong nước sẽ thay đổi ra sao bởi việc điều chỉnh như thế nào cho phù hợp là quyết định của cơ quan điều hành”, ông nói.
Trong khi đó, nhận thấy chiều hướng giảm nhiều hơn tăng trong chu kỳ vừa qua, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối tại TP HCM nhận định giá trong nước vẫn có khả năng giảm vào ngày mai.
Hiện giá cơ sở với giá bán lẻ xăng dầu chênh lệch không quá lớn. Ảnh: Giang Huy. |
Hiện giá dầu thô thế giới đã giảm 3 trên 4 phiên gần nhất, khi bộ trưởng các quốc gia thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) chuẩn bị nhóm họp tại Vienna (Áo) để bàn bạc về chính sách sản xuất. Từ tháng 11 năm ngoái, giá dầu đã giảm 37% do OPEC quyết định không giảm sản lượng để duy trì thị phần trước các hãng dầu đá phiến.
Giá dầu thô Mỹ – WTI sáng nay mất 0,17 USD một thùng so với phiên trước, còn 41,68 USD. Từ đầu tháng 11, giá này đã giảm hơn 10%. Trong khi đó, dầu Brent giao tháng 1 sáng nay cũng đi xuống, còn 44,27 USD một thùng. Dù vậy, so với thời điểm giữa tháng 11, giá dầu Brent lại cao hơn 2%. Trong khi đó, dầu WTI gần như không đổi.
Lần điều chỉnh gần đây nhất hôm 18/11, giá xăng RON 92 được doanh nghiệp giảm phổ biến về mức 17.050 đồng một lít (giảm 180 đồng). Các mặt hàng xăng khác (RON 95, E5) cũng có mức giảm tương tự, trong khi dầu diesel giữ giá, dầu hỏa tăng 120 đồng một lít, còn dầu madút giảm 90 đồng một kg. Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 6 lần tăng, 10 lần giảm, giúp mặt bằng giá xăng hiện tại thấp hơn giai đoạn cuối năm ngoái 830 đồng mỗi lít.
Kỳ Duyên