Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Trang vẫn không thể quên được những bước đi dò dẫm đầu tiên trong quá trình xây dựng thương hiệu thực phẩm sạch.
Xuất phát từ kinh nghiệm làm chủ một nhà hàng ở Australia, bà Nguyệt nhận ra thị trường đang cần các sản phẩm chế biến sẵn, chỉ cần bỏ vào lò vi sóng là có thể ăn. Năm 2004, bà cùng chồng và con trai rời Australia về TP HCM đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Trang Corp.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Tổng giám đốc Công ty Trang. |
Với 20 tỷ đồng vốn góp của các cổ đông với các thiết bị còn khá nghèo nàn, đến nay công ty đã có hai nhà máy ở Hiệp Phước, TP HCM chuyên chế biến thực phẩm để xuất khẩu sang những thị trường khó tính như: châu Âu, châu Mỹ,…
“Gia đình tôi mỗi người một thế mạnh nhưng đều có một tình yêu với thực phẩm. Tôi mạnh về chế biến thực phẩm, chồng tôi (ông Trang Hồ) mạnh về chế tạo máy, còn con trai – David Hồ (Chủ tịch Hội đồng quản trị) giỏi về marketing. Những thị trường xuất khẩu mà công ty có đều do David Hồ tìm kiếm. Ngày xưa, chồng tôi vừa làm máy vừa làm marketing. Khi còn trẻ, chúng tôi làm đủ mọi thứ”, bà Nguyệt tâm sự.
Theo đó, các dòng sản phẩm chính đều được chế biến theo khẩu vị của người Âu – Mỹ như: tôm tempura, bánh dumplings, bánh tổ yến, cá BBQ, cá sốt chua ngọt, càng cua bách hoa, tôm cuộn khoai tây, mực tempura, tôm cuộn da, tôm túi tiền, tôm vòng, hải sản trộn…
“Những ngày đầu thực sự là quá khó khăn khi lúc đó dân ta chỉ lo làm sao cho đủ ăn, sao cho có cái nhà để ở. Rất ít người có khái niệm thực phẩm sạch, chất lượng như thế nào nên khi chúng tôi bắt tay vào làm, thực sự quá mới mẻ”, bà Nguyệt nói và khẳng định đó là lý do vì sao ngay từ khi thành lập công ty đã chọn thị trường nước ngoài trước.
Chia sẻ về chặng đường đầu tiên, Bà Nguyệt cho biết con trai David Hồ đã phải đi gõ cửa từng siêu thị để tiếp thị sản phẩm, trong khi tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu này đưa ra rất cao.
Con trai bà Nguyệt – David Hồ, là người giỏi về marketing và có công lớn đưa sản phẩm của công ty vào các siêu thị lớn. |
“Ngay cả có đủ các chứng chỉ về chất lượng và tiêu thụ khả quan, các đoàn thanh tra của Walmart hay Sainsbury’s vẫn có thể đến xưởng kiểm tra bất ngờ không chỉ về vệ sinh, chất lượng, hệ thống phòng cháy chữa cháy mà cả việc đối xử với người lao động, đóng bảo hiểm, có sử dụng lao động trẻ em không… Chỉ cần phát hiện vi phạm là họ hủy hợp đồng ngay”, bà Nguyệt chia sẻ và cho biết thêm, bí quyết lớn nhất để chiếm lĩnh thị trường nước ngoài là sự sáng tạo. Người Anh, Mỹ luôn có một khẩu vị đặc trưng, đồ ăn không những chất lượng mà phải ngon, đẹp và đặc biệt tiện lợi. Vì vậy, các sản phẩm của công ty khi xuất khẩu sang Mỹ sẽ mang một vị riêng, nhưng khi làm cho người Anh, Hàn Quốc lại mang một hương vị khác…
Hiện mỗi năm, công ty cho ra mắt hơn 40 sản phẩm mới, đáp ứng tiêu chí đẹp mắt, chất lượng, sạch. Bà Nguyệt cho thiết lập một phòng sáng tạo riêng, trong đó chủ yếu là các nhân sự đã từng đi du học nước ngoài hoặc được công ty cử đi học. Họ sẽ cùng với các chuyên gia nước ngoài chuyên nghiên cứu thị hiếu của người phương Tây và cho ra các sản phẩm tương ứng.
Đến nay, các sản phẩm của Trang đã có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn trên thế giới như Walmart, Costso (Mỹ), Asda, Morrison, Aldi, Sainbury, Iceland, Lidl (châu Âu), Woolworths, Coles Aldi (Australia)… Thời gian tới, công ty tiếp tục mở rộng thị trường ở Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha và khu vực Bắc Âu, khu vực Trung Đông và Nam Mỹ.
Thành công 100% ở thị trường nước ngoài, song điều mà bà Nguyệt luôn trăn trở đó là đã bỏ quên thị trường trong nước. Vì vậy, năm 2015, công ty bắt đầu nghiên cứu và triển khai kế hoạch chiếm lĩnh thị trường nội địa.
“Các đại gia nước ngoài đang huy động tiền bạc, trí tuệ lấn chiếm thị trường nội địa. Công ty đã chinh phục được những thị trường khó tính bậc nhất thế giới thì không có lý do gì để không phục vụ dân mình. Tất nhiên, các sản phẩm sẽ được chế biến phù hợp với người Việt”, bà Nguyệt nói.
Năm 2014, Trang Corp xuất khẩu 2,36 triệu tấn sản phẩm, thu về 420 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận gộp đạt gần 77 tỷ đồng, tăng 58% so với năm 2014. Vốn điều lệ tăng lên 110 tỷ đồng. Đáng chú ý, công ty đặt mục tiêu năm 2019 sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán London hoặc Singapore – những thị trường lớn của doanh nghiệp.
Bạch Dương