Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu cải thiện trong 9 tháng đầu năm. Sau khi tăng trưởng 5,09% và 5,42% trong quý I và II, đến quý III này, GDP cả nước đã tăng 6,19%. Trong đó, khu vực dịch vụ đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung, tiếp đến là công nghiệp và xây dựng, nông – lâm và thủy sản.
Tuy vậy, Tổng cục Thống kê nhận định tổng cầu của nền kinh tế vẫn tăng chậm, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn, tồn kho hàng hóa vẫn ở mức cao, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.
GDP quý III/2014 tăng vượt 6%. Ảnh: Anh Quân |
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm nay ước tăng 6,7%, cao hơn mức tăng 5,3% của cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm đạt mức tăng cao là điện thoại di động, ôtô, sữa tươi, giày dép, vải dệt, tivi… Tuy nhiên, sản xuất dầu thô, thuốc lá, khí hóa lỏng… lại giảm.
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 11,1%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,2%, cao hơn mức tăng 5,4% của cùng kỳ năm 2013. “Nhìn chung giá cả thị trường trong những tháng qua khá ổn định, đây là một trong những yếu tố làm cho mức tiêu thụ hàng hóa tiêu dùng trong nước có phần được cải thiện hơn”, cơ quan Thống kê nhận xét.
Cán cân thương mại từ đầu năm thặng tiếp tục tăng dư 2,5 tỷ USD dù tháng 9 nhập siêu 600 triệu USD. Điều này cho thấy việc tiếp cận thị trường ngoài nước đối với hàng hóa xuất xứ Việt Nam đã cải thiện, góp phần ổn định tỷ giá, cung cầu ngoại tệ trong nước. Tuy vậy, các chuyên gia vẫn thận trọng khi nhận định xuất siêu chủ yếu do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với hàng gia công lắp ráp từ nguyên liệu nhập khẩu, chứng tỏ hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trong nước mang lại hiệu quả chưa cao và thiếu tính bền vững.
Phương Linh