Thủ tướng Trung Quốc – Lý Khắc Cường đã thúc giục tăng hợp tác toàn cầu, và cân nhắc các ảnh hưởng lan truyền của chính sách. Đức ủng hộ quan điểm này, nhưng không cho rằng cần đồng loạt tăng kích thích để đối phó suy giảm
Bộ trưởng Tài chính Mỹ – Jack Lew cũng cho biết không cần phản ứng như thời khủng hoảng năm 2009. Khi ấy, các nước G20 đã đồng thuận kích thích toàn cầu để ngăn suy thoái kinh tế.
Sức khỏe nền kinh tế lớn nhì thế giới là vấn đề trọng tâm của 2 ngày họp. Khả năng Anh rời Liên minh châu Âu (EU) và các tác động kinh tế – chính trị của việc này cũng là mối lo ngại với các nước tham gia.
Lãnh đạo tài chính các nước G20 đang họp tại Thượng Hải. Ảnh: News.cn |
“Sự phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô cần phải được củng cố. Tình hình tài chính và kinh tế toàn cầu có thể sẽ ảm đạm và còn phức tạp hơn nữa. Đã đến lúc các nước cần cùng nhau vượt qua khó khăn”, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết trong một đoạn video khai mạc phiên họp.
Một số nhà hoạch định chính sách khác cũng ủng hộ phối hợp hành động. Tuy nhiên, họ lại bất đồng về cách thức thực hiện. Điều này khiến phiên họp khó đi đến thống nhất về chương trình hành động cụ thể.
“Nói về việc kích thích mạnh hơn sẽ khiến chúng ta xao nhãng các nhiệm vụ thực sự. Vì thế, chúng tôi không đồng ý về gói kích thích tài khóa trong G20”, Bộ trưởng Tài chính Đức – Wolfgang Schaeuble cho biết. Quan điểm này trái ngược với khuyến nghị mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trước đó. Rằng G20 nên bắt đầu lên kế hoạch cho chương trình kích thích.
Ông Lew cũng đưa ra thông điệp tương tự, cho biết kinh tế thế giới hiện có nhiều bất ổn, nhưng không khủng hoảng. ‘Thật vô lý khi trông cậy vào một phương án đối phó khủng hoảng, trong khi tình hình không như vậy”, ông cho biết với báo giới.
Điều khiến bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G20 lo ngại là khả năng Trung Quốc quản lý các thị trường trong nước, tiền tệ và cam kết cải tổ. Mối lo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và sự mập mờ trong chính sách tiền tệ nước này đã khiến các thị trường toàn cầu biến động hồi tháng 1.
Thống đốc Trung Quốc – Zhou Xiaochuan liên tục trấn an rằng nước này sẽ không thực hiện đợt hạ giá nội tệ mới để hỗ trợ nền kinh tế. Ông cũng cho biết Trung Quốc đang tăng tốc cải tổ nền kinh tế. “Trung Quốc sẽ cố gắng duy trì cân bằng giữa tăng trưởng, tái cấu trúc và quản trị rủi ro. Dù phương hướng cải tổ là rõ ràng, tốc độ chắc sẽ khó kiểm soát. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ nguyên phương hướng này”, ông cho biết trong một hội thảo tổ chức bởi Viện Tài chính Quốc tế (IIF) và G20.
Các nước G20 rất khó đồng tình về khả năng kích thích thêm nữa và mức nợ tăng cao trong bối cảnh lãi suất đang ở mức cực thấp. Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh – Mark Carney đã cảnh báo lãi suất âm sẽ gây ra nhiều rủi ro. Ông cũng đổ lỗi cho chứng khoán toàn cầu và giá tài sản lao dốc gần đây, khiến Chính phủ không thể cải tổ kinh tế mạnh tay.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản – Taro Aso thì phớt lờ những lời kêu gọi tung thêm kích thích tài khóa. Tháng trước, cơ quan này đã khiến nhà đầu tư sửng sốt vì áp dụng lãi suất âm.
Địa chính trị cũng là các vấn đề khiến giới chức châu Âu lo ngại. Bộ trưởng Tài chính Pháp – Michel Sapin cho biết Anh ở lại EU sẽ là việc có lợi nhất cho nước này. Ông cũng kỳ vọng người Anh có “lựa chọn đúng đắn” trong cuộc trưng cầu dân ý về việc này ngày 23/6.
Hà Thu(theo Reuters)