Trong một thông báo vừa được công bố, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch nhận xét kế hoạch sáp nhập trong ngành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) và quy định mới liên quan đến cấu trúc sở hữu theo Thông tư 36 sẽ có lợi cho hệ thống nhà băng. Theo đó, quá trình này có thể cải thiện hiệu suất hoạt động nhờ tăng quy mô, giảm gánh nặng quản lý. Tuy nhiên, việc thực thi có thể gặp khó khăn, do các vấn đề cấu trúc dài hạn, như chất lượng tài sản yếu, minh bạch thấp và vốn dự phòng mỏng vẫn còn.
Những tháng gần đây, SBV đã công bố kế hoạch chấp thuận các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) giữa các nhà băng trong năm 2015, nhằm giảm số ngân hàng xuống 15-17 cho đến năm 2017, từ 40 hiện tại. Fitch cho rằng phần lớn các cuộc sáp nhập này là giữa các nhà băng nhỏ, yếu hơn với các ngân hàng quốc doanh lớn. Việc này có thể tăng rủi ro chất lượng tài sản và cả rủi ro thực thi cho các nhà băng quốc doanh trong trung hạn. Tuy nhiên, Fitch cho rằng các tác động này có thể quản lý được, khi xét về tổng tài sản, những nhà băng là mục tiêu thâu tóm khá nhỏ so với nhà băng mua lại.
Thêm vào đó, quy định mới theo Thông tư 36 (có hiệu lực từ 1/2/2015) sẽ cho phép các ngân hàng nắm dưới 5% cổ phần tại tối đa hai tổ chức tín dụng khác. Việc này có thể làm giảm tỷ lệ sở hữu chéo đang ở mức cao trong ngành. Tình trạng này đang khiến vốn hóa trong hệ thống bị phóng đại và gây ra nhiều lo ngại về quản trị doanh nghiệp.
Các nhà băng với trên 5% cổ phần trong các tổ chức tín dụng khác sẽ có một năm để thoái vốn, hoặc sáp nhập với các tổ chức liên quan để tuân thủ quy định mới. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo Thông tư 36 vẫn được giữ nguyên tại 9% và sẽ không có ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng đang được Fitch đánh giá. Do tính đến tháng 6/2014, các nhà băng này đều có CAR từ 12,6-14,4%.
Tuy nhiên, việc thực thi cứng rắn các cải tổ ngân hàng sẽ vẫn là thách thức với Việt Nam, khi tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm chạp và việc thực hiện Thông tư 02 (về phân loại nợ) bị trì hoãn nhiều lần. Việc hợp nhất cũng không thể là giải pháp hoàn chỉnh cho tất cả vấn đề của hệ thống ngân hàng. Fitch cho rằng rủi ro chất lượng tài sản và vốn dự phòng thấp sẽ tiếp tục gây sức ép lên ngành này.
Vì vậy, hãng này vẫn duy trì triển vọng tiêu cực với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Lượng nợ xấu lớn tích tụ trong những năm qua cần thời gian để giải quyết, kể cả khi môi trường vĩ mô được cải thiện. Khả năng chịu thua lỗ của các ngân hàng cũng có thể thấp hơn dự báo, do nợ xấu chưa được đánh giá đúng mức.
Hà Thu