Trao đổi với VnExpress, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri cho biết việc điều chỉnh tỷ giá của cơ quan điều hành thời gian qua đã làm tăng chi phí của tập đoàn khoảng 12.000 tỷ đồng. Trong số này, 2.000 tỷ là khoản phải thanh toán ngay trong năm, nên sẽ phải phân bổ ngay vào giá thành. 10.000 tỷ đồng còn lại từ các khoản vay ngoại tệ dài hạn.
EVN thừa nhận khoản bù 2.000 tỷ đồng do tỷ giá năm nay sẽ ảnh hưởng đến giá điện từ các năm sau. |
Riêng với khoản vay ngắn hạn, nếu tính riêng chênh lệch tỷ giá từ đầu năm đến nay, chi phí tăng thêm chỉ là 240 tỷ đồng, chủ yếu để mua USD trả nợ nước ngoài. Tuy nhiên, khoản tiền lớn nhất lại là chi phí cho các nhà máy điện chạy bằng khí, hiện đã là 1.800 tỷ đồng. Do toàn bộ số tiền mua khí phải quy đổi thành giá điện tương ứng, trong khi giá khí tính bằng USD nên tỷ giá điều chỉnh cũng khiến chênh lệch cũng tăng theo.
“Chính vì vậy, khoản lỗ 2.000 tỷ đồng sẽ được đưa ngay vào chi phí sản xuất điện”, lãnh đạo EVN nói và cho biết hiện tập đoàn đang chỉ đạo các đơn vị sản xuất tiết kiệm chi phí bằng cách tăng sản lượng, huy động tối đa công suất, tăng lợi nhuận để bù vào.
Dù phân bổ thêm chi phí vào giá thành, song EVN khẳng định từ nay đến cuối năm sẽ không điều chỉnh giá điện. “Không phải vì điều chỉnh tỷ giá mà EVN lập tức xin tăng giá bán. Trước hết, doanh nghiệp sẽ tìm mọi biện pháp tối ưu chi phí, tăng lợi nhuận để đưa được khoảng chênh lệch tỷ giá 2.000 tỷ đồng năm 2015 vào mà không bị lỗ”, ông Tri nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận khoản bù tỷ giá chắc chắc sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản xuất điện năm sau. “Nếu tập đoàn huy động được nguồn giá điện rẻ, lợi nhuận có sẽ trích dần vào chênh lệch để giảm giá thành sản xuất, đồng thời xử lý được phần bù tỷ giá”, ông Tri chấn an.
Đối với 10.000 tỷ đồng bù tỷ giá cho những khoản vay 10-30 năm, lãnh đạo EVN sẽ xin phép Chính phủ phân bổ dần chứ không đưa ngay vào giá thành điện. Với các giải pháp đưa ra, lãnh đạo tập đoàn cho rằng việc xử lý tài chính trong năm nay sẽ không có vấn đề gì lớn, vẫn bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước đó, vấn đề khó khăn trong sản xuất do tác động của tỷ giá được lãnh đạo nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương lên tiếng tại cuộc họp giao ban tháng 8. Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, diễn biến tỷ giá trong thời gian qua đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những kiến nghị nhằm bù đắp vào giá thành sản xuất điện, Bộ Công Thương phải báo cáo ý Chính phủ xem xét.
Trước đó, do sức ép Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và Mỹ có thể tăng lãi suất, hồi giữa tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần nới biên độ (từ +/-1% lên +/-3%) và tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% lên 21.890 đồng một đôla. Đây được xem là biện pháp chủ động, góp phần đảm bảo sức cạnh tranh cho kinh tế Việt Nam cũng như đảm bảo thị trường tiền tệ trong nước. Tuy nhiên, hệ quả của biện pháp này đến hoạt động của doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế cũng dần được nhắc tới trong thời gian gần đây.
Thành Tâm