Doanh nghiệp Việt quá manh mún để hội nhập

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2015 khai mạc sáng nay (8/6) với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập toàn cầu”. Thời gian qua, Việt Nam tham gia đàm phán một loạt hiệp định thương mại tự do, dự kiến sẽ kết thúc và có hiệu lực trong thời gian tới. Do đó, đây được đánh giá là thời điểm then chốt để khu vực trong nước chuẩn bị tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

VBF-JPG-5061-1433820266.jpg

Các hiệp hội doanh nghiệp lo ngại về sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập.

Tuy nhiên, đại diện khu vực doanh nghiệp chia sẻ khó khăn vẫn chưa thực sự qua đi, gây cản trở lớn tới năng lực cạnh tranh khi đối đầu với những đối thủ mạnh. Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn còn rất manh mún khi riêng khu vực kinh tế cá thể đã góp tới trên 33% GDP, so với 50% của toàn bộ khu vực tư nhân. Trong số các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, số có quy mô lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, doanh nghiệp vừa chiếm 2%, còn lại 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

“Nền kinh tế Việt Nam đang thiếu trầm trọng các doanh nghiệp cỡ vừa để trở thành các kênh kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu và trực tiếp tham gia vào thị trường quốc tế”, ông Lộc đánh giá.

Ông Trần Anh Vương – Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội nhận định chỉ còn đúng 6 tháng nữa sẽ kết thúc năm hội nhập, nhưng phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa hầu như chưa được chuẩn bị hành trang cho cuộc hội nhập này, vẫn thụ động điều chỉnh mình nhiều hơn là chủ động hội nhập, lo lắng cho những công cụ bảo vệ thị trường nội địa trước hàng nhập khẩu.

“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cảm nhận những thách thức lớn hơn bao giờ hết khi mà 2015 được xác định là năm hội nhập với rất nhiều các hiệp định song phương và đa phương được ký kết và có hiệu lực”, ông Vương phát biểu.

Không chỉ các nhà đầu tư trong nước, bản thân các nhà đầu tư nước ngoài cũng lo ngại sự yếu kém của khu vực kinh tế trong nước sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Ông Tomaso Andreatta – Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết chỉ 36% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất phục vụ xuất khẩu, so với gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Chỉ có 21% các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và sự đóng góp của khu vực này trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác.

“Phát triển kinh tế xã hội trong tương lai sẽ phụ thuộc vào khả năng hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu để chúng ta có thể hưởng lợi từ các nguồn vốn và công nghệ trên thế giới, tiếp cận thị trường toàn cầu’, đại diện Eurocham khẳng định.

Nhằm tạo những điều kiện để hỗ trợ các doanh nghiệp trở thành điểm tựa bền vững cho phát triển kinh tế của đất nước, lãnh đạo các Hiệp hội đề xuất Chính phủ cần tạo thêm nhiều cơ hội cho khu vực tư nhân trong nước phát triển, như tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn, tối thiểu 1–2% nữa trong năm nay; xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp…

“Sự chậm trễ, hiện tượng oan sai trong xét xử, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm đang phát đi một tín hiệu về yêu cầu tăng cường cải cách tư pháp song hành với nỗ lực cải cách hành chính để nâng cao niềm tin và sự dấn thân của doanh nghiệp vào sự nghiệp kinh doanh trong thời gian tới”, ông Lộc nhận định.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần ban hành Luật về Doanh nghiệp nhỏ và vừa, song hành với lựa chọn năm lĩnh vực công nghiệp để phát triển các cụm công nghiệp và sản phẩm trong chuỗi giá trị điện tử, dệt may, chế biến thực phẩm, máy móc nông nghiệp, du lịch. Có như vậy, các doanh nghiệp mới đảm bảo tham gia được vào chuỗi giá trị với các doanh nghiệp thế giới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực, tăng trưởng lấy lại đà phục hồi, dự báo đạt 6,2% cả năm hoặc cao hơn. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, do đó Chính phủ vẫn đang tập trung tiến hành tái cơ cấu, đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tạo một sân chơi bình đẳng trên thị trường.

“Việt Nam hiện nay đang trong làn sóng thứ hai thu hút đầu tư với sự cạnh tranh nhiều hơn. Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) sẽ thành lập năm nay với một loạt hiệp định thương mại quan trọng, nếu tận dụng tốt sẽ mở ra chương mới về tăng trưởng, có thu nhập tốt hơn”, ông Kyle Kelhofer – Giám đốc khu vực Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho biết.

Phương Linh

0913.756.339