Những trăn trở cho quá trình hội nhập, phát triển kinh tế trong giai đoạn mới từ góc nhìn của những người làm kinh doanh, một lần nữa được đặt ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2015) sáng 1/12.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, những người đại diện cho phần lớn thành viên của diễn đàn, 2015 là một năm “tuyệt vời” với Việt Nam khi hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ký kết Hiệp định thương mại tự với Liên minh châu Âu – EU (EVFTA) và tham gia sâu vào sân chơi ASEAN khi cộng đồng kinh tế chung thành lập vào cuối năm nay.
Hội nhập quốc tế sâu rộng sẽ tạo tiền đề cho Việt Nam mở rộng kim ngạch thương mại cũng như tăng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chẳng hạn như với TPP, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng gần 30% khi hiệp định được thực thi và GDP đến năm 2025 có thể tăng 10%; hoặc nếu EVFTA có hiệu lực, GDP có thể tăng hơn 15% và giá trị xuất khẩu sang EU có thể tăng gần 35%.
Các hiệp hội bàn về nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập. |
Tuy vậy, bối cảnh mới lại khiến nhiều ý kiến bày tỏ mối lo ngại số lượng doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi từ những thành công hội nhập sẽ rất hạn chế. “Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ nhưng khu vực trong nước vẫn cô đơn, không tham gia được chuỗi sản xuất toàn cầu”, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ.
Bà Sherry Boger – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ cũng đánh giá hai phần ba xuất khẩu của Việt Nam đang nằm trong tay doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, còn sự đóng góp của doanh nghiệp nội trong chuỗi cung ứng toàn cầu chủ yếu là lao động tay nghề thấp.
“Đây là hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ, phải làm sao để khu vực này tham gia chuỗi toàn cầu”, ông Vũ Tiến Lộc nhận định. Hay theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, nếu không gia tăng được năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam sẽ rơi vào thế phải cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia khác trong khu vực, chỉ có thể hấp dẫn nhà đầu tư với tư cách là một thị trường tiềm năng nơi bán được nhiều sản phẩm.
Với chủ đề diễn đàn VBF 2015 là “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế”, bà Sherry Boger đề xuất Chính phủ phải có kế hoạch hành động cụ thể để phát triển, thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các cơ quan quản lý cũng cần phối hợp hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp hàng tháng và hàng quý để đánh giá tiến độ quá trình hợp tác và tháo gỡ khó khăn.
Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) – ông Tomaso Andreatta cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng, thịnh vượng và cải thiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thực hiện tự do hoá thương mại và đầu tư, kiến tạo một thị trường lao động linh hoạt, có trình độ hơn để khuyến khích môi trường đầu tư cạnh tranh lành mạnh, giúp cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
“Quá trình hội nhập sẽ dẫn đến sự chuyển đổi đau đớn với doanh nghiệp, Chính phủ, song đau đớn này sẽ mang lại quả ngọt. Việc thay đổi tư duy sẽ quyết định quá trình hội nhập này”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Phương Linh