Hội nghị sơ kết một năm mở tuyến vận tải ven biển của Bộ Giao thông hôm nay (26/10) được chuyển thành đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo ngành với hơn 100 chủ doanh nghiệp tại ba đầu cầu Hà Nội , TP HCM, và Đà Nẵng.
Lý giải cho điều này, Thứ trưởng Giao thông – Nguyễn Nhật nói rằng vì không mấy khi được gặp nhiều doanh nghiệp đến vậ,y nên đây là cơ hội để cơ quan quản lý kiểm điểm lại xem chính sách ban hành có đi vào đời sống hay không. Tuy nhiên, sự rụt rè của cộng đồng doanh nghiệp khiến không ít lần vị chủ tọa phải thốt lên: “Đây là cơ hội để doanh nghiệp kêu !”.
Thậm chí, khi không thấy những cánh tay giơ lên, ông Nhật phải đọc tên từng đại diện hiệp hội, đại diện các địa phương. “Thanh Hóa, Thái Bình… Những lần trước kêu ca giờ thế nào rồi?”, ông Nhật thúc giục.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu rà soát các văn bản để không gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp. |
Bà Kim Anh, Giám đốc một công ty vận tải biển tỉnh Vĩnh Long nhắc lại câu chuyện từng kiến nghị tại cuộc đối thoại gần một năm trước. “Khi tôi đề nghị nên quy định thời gian giữa hai lần tàu lên đà kiểm tra nên là 5 năm như thông lệ quốc tế thay vì 30 tháng. Bộ trưởng Thăng đã nói trực tiếp sẽ là 5 năm, song văn bản thông báo sau đó lại không nói rõ như vậy”, nữ Giám đốc thắc mắc.
Cũng theo vị này, vẫn còn tình trạng phí chồng phí khi một chuyến tàu vừa cập cảng biển thì cảng vụ hàng hải đã thu tiền, song vào sâu trong nội địa thì cảng vụ đường thủy tiếp tục thu một lần nữa.
Ông Nhật thừa nhận, có những quy định đã được ban hành, song có thể quá trình thực thi ở dưới chưa như mong muốn. Dù Cục trưởng Hàng hải Nguyễn Xuân Sang khẳng định không thu phí hai lần đối với một chuyến tàu vào nhiều cảng trong một vùng nước (khu vực) đã được quy định từ năm ngoái, song Thứ trưởng Nhật vẫn giao Giám đốc cảng vụ hàng hải khu vực cùng cảng vụ đường thủy trực tiếp gặp doanh nghiệp để xác minh và báo cáo lại ngay trong tuần.
Tương tự, đại diện Công ty Hoàng Quân, chuyên vận tải hóa lỏng từ Đồng Tháp qua Campuchia cũng phản ánh: “Mỗi giấy phép mà doanh nghiệp được cấp có thời hạn 60 ngày nhưng gửi hồ sơ ra Hà Nội và được trả lời thuận lợi cũng đã mất nửa tháng”. Vị này kiến nghị trong trường hợp không được gia hạn lên 6 tháng thì cần ủy quyền cho chi cục đường thủy phía Nam cấp để doanh nghiệp không phải ra tận Thủ đô.
“Xin một tờ giấy mà phải từ Đồng Tháp ra Hà Nội thì chết. Phải ủy quyền ngay cho bộ phận đại diện ở TP HCM”, ông Nhật nói thêm rằng chỉ đạo này đã được lãnh đạo Bộ đưa ra từ năm ngoái. Lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa thanh minh, do đây là vận tải xuyên biên giới nên ngoài pháp luật Việt Nam còn phải rà soát thêm hiệp định chung giữa hai nước.
Theo Thứ trưởng Nhật, nếu vướng quy định thì phải đề xuất sửa bởi văn bản pháp luật nào cũng phải trên cơ sở không gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp. “Nếu có quy định như thế thì đề nghị sửa chứ không vì đã quy định ra nên phải theo dù biết không còn phù hợp”, ông Nhật lưu ý.
T. Đức