Doanh nghiệp đau đầu khi mã vùng điện thoại thay đổi

Dù mới nghe thông tin về việc thay đổi mã vùng điện thoại các tỉnh, thành phố, song ông Nam, Giám đốc một công ty phân phối – bán lẻ thực phẩm tại Hà Nội không khỏi lo lắng khi nhớ lại kỷ niệm cách đây 6 năm, cũng trong một đợt thay đổi số điện thoại tương tự.

“Năm 2008, công ty vừa thành lập thì phải đổi số điện thoại. Mình mới làm ăn, cần gây dựng uy tín nên phải cắn răng chi cả trăm triệu chỉ để in lại số máy trên quà tặng, bao bì. Toàn bộ sản phẩm đặt in trước đó phải bỏ hết”, vị này kể lại.

tong-dai-0-7063-1420688479.jpg

Các doanh nghiệp có hoạt động liên quan trực tiếp tới số điện thoại cố định sẽ chịu ảnh hưởng từ việc thay đổi đầu số.

Lần thay đầu số từ 1/3 sắp tới, công ty ông Nam sẽ không thể phung phí như trước. “Trừ các văn bản liên quan đến pháp lý, quyền lợi trách nhiệm của cá nhân và thập thể công ty… có thể phải in lại để tránh rủi ro, toàn bộ các văn phòng phẩm như card visit, sổ bìa da, biển quảng cáo, tờ rơi… còn trong kho sẽ được sử dụng cho đến hết”, vị giám đốc này tính toán. 

Không chỉ ảnh hưởng chi phí liên quan đến hành chính như công ty của ông Nam, với những doanh nghiệp mà số điện thoại cố định liên quan đến lợi ích sát sườn như taxi, vận tải, bán hàng qua mạng… thì quyết định điều chỉnh mã vùng còn khiến họ lo lắng hơn nhiều.

Cho biết chưa có tính toán cụ thể, vì mới nghe tin thay đổi 2 hôm nay, song Tổng giám đốc taxi Nguyễn Minh – Nguyễn Hồng Minh khẳng định việc này “chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp”. Chưa kể toàn bộ biển hiệu, thông tin giá cước, biển quảng cáo ngoài trời vừa hoàn thành cuối tháng 12 cho 5 tỉnh có chi nhánh, trước mắt với hơn 10.000 quyển biên lai sẽ phải in lại. Nếu cộng thêm số lịch dùng biếu khách hàng thì chi phí tổng cộng hết khoảng 400 triệu đồng.

“Nếu không in lại thì các sản phẩm in ấn chỉ sử dụng được đến tháng 3, đồng nghĩa với mục đích cuối cùng là quảng cáo để khách hàng gọi xe sẽ không đạt được. Họ gọi mà máy không liên lạc được thì hãng mất khách”, vị này lo lắng.

Theo ông Minh, để tiết kiệm tiền khi in biên lai, lệnh đi đường, biểu cước phí, thông thường các doanh nghiệp vận tải sẽ in số lượng lớn có khi lên hàng vạn cuốn để sử dụng trong vòng 5-7 năm. “Giờ các loại giấy tờ chứng từ đó có giá trị sử dụng trong 2 tháng nữa thì chỉ vứt bỏ thì thiệt hại quá lớn”, ông nói.

Với những doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, ngoài địa chỉ công ty trên bao bì thì số điện thoại liên hệ là một trong những điểm để người tiêu dùng khẳng định nguồn gốc hàng hóa. “ Do vậy, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều cho in số điện thoại lên bao bì”, chị Đỗ Thu Thủy, đại diện Công ty sản xuất bánh mứt Đỗ Thế Gia chia sẻ với VnExpress.

Trước đó, đại diện công ty cho biết đã in xong hơn 20.000 bao bì, nhãn hàng mứt tết, chưa kể số lượng khá lớn hộp bánh trung thu còn tồn để dành Rằm tháng 8 năm nay. Nhưng chị Thủy cho hay, cơ sở sản xuất chưa có ý định thay đổi toàn bộ bao bì, nhãn hàng.“Công ty in bao bì một lần cho cả năm chi phí lên cả trăm triệu đồng nên sẽ sử dụng hết bao bì cũ để tiết kiệm chi phí”, chị nói. Lý do theo chị, người tiêu dùng có nhiều kênh để liên lạc với doanh nghiệp, nên sẽ biết cách để thay đổi số gọi cho phù hợp.

Không có ý kiến về vấn đề kỹ thuật khi thay đổi đầu số song ông Trần Công Khanh, Tổng giám đốc Công ty Bưu chính Việt băn khoăn về thời điểm quy định được đưa ra. Theo đó, doanh nghiệp luôn dành khoản tiền không nhỏ cho khâu in ấn, quà tặng, quảng cáo cuối năm. Quy định mới này tuy đến tháng 3 mới có hiệu lực nhưng thực tế thì việc in ấn đã hoàn thiện cách đây cả nửa năm, vô hình chung nỗ lực quảng cáo trước đó của doanh nghiệp trở thành vô nghĩa.

Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Hồng Minh cũng cho rằng, việc thay đổi mã số điện thoại cần thông báo trước 3-6 tháng để doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị hoặc chủ động thay đổi nội dung in ấn. Theo ông Minh nếu được nên lùi thời gian thực hiện quy định nói trên vào cuối năm nay là hợp lý giúp doanh nghiệp không bị động trong chi phí hoạt động.

“Chắc chắn thời gian tới đơn vị sẽ cho in lại toàn bộ card visit của nhân viên”, chị Trần Ngọc Liên, Kế toán trưởng Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tân Long – đơn vị chuyên nhập khẩu thiết bị y tế và nội thất bếp từ thị trường châu Âu cho biết.

Theo chị Liên, tuy công ty chuyên về lĩnh vực thương mại không tốn kém tiền cho khâu in ấn bao bì, nhưng chi phí quảng cáo thông qua các sản phẩm văn phòng phẩm, card visit cho nhân viên kinh doanh chiếm phần không nhỏ trong khoản chi thường xuyên. Đặc biệt, việc tổ chức triển lãm định kỳ từ 1-2 lần trong năm có khi đơn vị tốn từ 200-300 triệu chỉ để in catalogue, tờ rơi quảng cáo.

“Hiện vẫn còn thời gian để tính toán số lượng và chi phí in lại card visit cho toàn bộ nhân viên kinh doanh, nhưng trước mắt doanh nghiệp tốn không ít thời gian để gửi mail lẫn thông báo cho các đối tác nước ngoài về sự thay đổi kể trên”, chị Liên cho hay.

Thành Tâm

0913.756.339