Ngày 5/8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 với sự tham dự của 3 bên: đại diện cho giới chủ là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); đại diện cho người lao động là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và cơ quan Nhà nước là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết cuộc họp thương lượng về mức tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 đã phải tạm dừng bởi các bên không thống nhất được mức tăng và mức đề xuất tăng cũng vênh nhau quá lớn. VCCI đưa ra mức 6% song Tổng liên đoàn muốn giữ mức 16% như đề xuất ban đầu.
“Suốt một ngày phân tích, tranh luận nhưng đến phút chót hội đồng không có được sự thống nhất của các thành viên. Các bên phải dừng cuộc họp theo đề nghị của VCCI”, ông Huân nói.
Chủ tịch Hội đồng tiền lương chia sẻ, ông cố gắng điều hành để các bên gần với nhau hơn về quan điểm và con số để có thể bỏ phiếu thông qua. Tuy nhiên, mọi việc không diễn ra như mong muốn..
“Trong 2 tuần tới, các bộ phận kỹ thuật sẽ tính toán lại phương án khả thi hơn, hội đồng sẽ họp lại để tiếp tục thương lượng về mức tăng lương tối thiểu vùng 2016”, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết.
Ông nhận định cuộc họp của hội đồng dừng lại khi chưa chốt được phương án cũng là hợp lý. “Nếu trình Thủ tướng một con số mà giữa các bên chưa có được sự đồng thuận thì sau này sẽ có rất nhiều ý kiến trái chiều không hay. Vì vậy dừng lại để bàn thêm để tìm được tiếng nói chung là hợp lý”, Thứ trưởng nói và cho hay, nếu qua nhiều lần thương lượng, bỏ phiếu mà không có kết quả thì Chủ tịch hội đồng sẽ quyết định và quyết định này sẽ được dùng để trình Chính phủ.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI cho rằng, tăng lương tối thiểu là nhu cầu chính đáng của người lao động tuy nhiên phải tính tới khả năng chi trả, tình hình sản xuất của doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp có tồn tại thì mới lo được cho người lao động”, ông nói.
Ông Phòng cho hay, qua khảo sát thực tế, 70% doanh nghiệp đang kinh doanh không có lãi, tăng lương đối với họ là một gánh nặng lớn. Theo quan điểm của VCCI, mức tăng tối thiểu vùng 2016 phù hợp là từ 6 đến trên 7%, tức là từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng (tương ứng vùng 4 và vùng 1).
“Mức tăng 10% mà chúng tôi đưa ra ban đầu chỉ là dự báo. Dựa trên cơ sở phân tích của các bộ phận kỹ thuật và phản hồi thực tế của doanh nghiệp, sau khi tổng hợp, trao đổi, tính toán kỹ, chúng tôi thấy mức 6% là hợp lý”, ông nói.
Đại diện người lao động giữ nguyên lập trường, muốn tăng 16%, tức tăng từ 350.000 đồng đến 550.000 đồng (tương ứng với vùng 4 và vùng 1). Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn khẳng định chưa chốt được mức tăng cuối cùng nhưng đại diện người lao động vẫn giữ quan điểm đề xuất trên.
Theo tính toán của Tổng liên đoàn, nếu mức tăng năm 2016 ở vùng 1 là 550.000 đồng thì mới đáp ứng được 89% mức sống tối thiểu của người lao động. Theo lộ trình tăng lương như vậy, đến năm 2018 mới đạt được 100% mức sống tối thiểu của người lao động. “Thực tế cho thấy tăng trưởng kinh tế khá. Tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 ít nhất phải bằng hoặc cao hơn năm 2015 thì mới hợp lý”, ông Chính nói.
Trước đó, phía Tổng liên đoàn đã có văn bản gửi Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 16%, căn cứ vào mức tăng trưởng kinh tế dự báo 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 5%. Ngoài ra, cơ quan này còn căn cứ vào Điều 89, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 kể từ ngày 1/1/2018, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung theo quy định của pháp luật.
Lương tối thiểu là mức thấp nhất mà người sử dụng phải trả cho lao động của mình. Các công chức hưởng lương ngân sách được tính lương dựa trên lương tối thiểu chung. Còn lương tối thiểu vùng (hiện có 4 vùng) áp dụng cho người lao động làm trong doanh nghiệp ngoài ngân sách.
Năm 2015, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng mỗi tháng, tức tăng bình quân 14,8% so với năm trước. Năm 2014, mức tăng cũng xấp xỉ 15% so với 2013.
Tháng 10 là hạn cuối cùng Hội đồng Tiền lương Quốc gia trình Chính phủ về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016.
Thanh Hòa