Trong phiên họp thường kỳ cuối tháng 4, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối nhằm bổ sung vốn đầu tư phát triển, đảm bảo an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia. Ý tưởng này có thể xuất phát từ áp lực lên nguồn thu ngân sách do giá dầu thô giảm và việc cắt giảm thuế theo lộ trình thực hiện các hiệp định tự do thương mại. Trong khi đó, quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam được cho là đã đạt mức kỷ lục, trên 35 tỷ USD vào tháng 9 năm ngoái theo công bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và hiện khoảng 36,7 tỷ USD theo dự báo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).
Chỉ số an toàn dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với khu vực. |
Việc dùng dự trữ ngoại hối quốc gia để tài trợ cho chi tiêu ngân sách không hiếm trên thế giới, nhất là trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, biến cố đột xuất như chiến tranh, khủng hoảng kinh tế… Đợt giá dầu tuột dốc kéo dài từ giữa năm ngoái đến nay, nhiều quốc gia như Ảrập Xêút, Libya, Oman, Iraq, Iran và kể cả Nga đã phải dốc quỹ dự trữ ngoại hối để bù đắp cho phần thiếu hụt ngân sách từ xuất khẩu dầu mỏ.
Động thái này cũng là việc cực chẳng đã với mọi chính phủ, bởi sử dụng dự trữ ngoại hối chỉ có thể kéo dài đến một giới hạn nhất định, trước khi các ngân hàng trung ương chỉ còn một vài lựa chọn chính sách. Cơ quan này có thể phá giá đồng nội tệ để giảm nhu cầu nhập khẩu đồng thời làm tăng xuất khẩu; hay bóp nghẹt nhu cầu ngoại tệ trong nước bằng các biện pháp hành chính để bảo vệ số dự trữ còn lại, bảo đảm khả năng chi trả các nghĩa vụ nợ, nhu cầu nhập khẩu và chi tiêu ngoại tệ thiết yếu, cấp bách khác.
Phá giá nội tệ hay bóp nghẹt nhu cầu ngoại tệ trong nước là tín hiệu xấu với giới đầu tư, có thể kích hoạt tình trạng chảy máu ngoại tệ, làm giá đồng nội tệ rơi tự do, kết cục là đẩy quốc gia vào khủng hoảng tiền tệ và tài chính.
Do đó, khi trích quỹ dự trữ ngoại hối để tài trợ ngân sách, chính phủ thông thường phải tiết giảm tối đa chi tiêu, mặt khác phải đa dạng hóa và nâng cao các nguồn thu hiện có và mới, nhưng cũng phải đảm bảo những nguồn thu này không bóp nghẹt các hoạt động kinh tế bình thường của quốc gia.
Nhìn lại trường hợp của Việt Nam, các số liệu báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước hay các tổ chức quốc tế như IMF đều nhấn mạnh đến sự cải thiện quy mô dự trữ ngoại hối trong năm 2014 và cả năm nay. Theo số liệu IMF, chỉ tiêu này đã tăng từ 26 tỷ USD năm 2013 lên mức ước tính 38 tỷ USD năm 2014 và dự kiến sẽ vọt lên 48,8 tỷ USD trong năm nay.
Đơn vị: tỷ USD. Nguồn: IMF |
Tuy vậy, đây là sự cải thiện về con số tuyệt đối. Khi so sánh dự trữ ngoại hối với giá trị nhập khẩu, cung tiền M2 và nợ ngắn hạn nước ngoài, tỷ lệ này của Việt Nam thấp hơn nhiều mức bình quân trong khu vực.
So sánh chỉ số dự trữ ngoại hối trong khu vực
Quốc gia | Số tháng nhập khẩu | % xuất khẩu | % tổng cung tiền | % nợ ngắn hạn nước ngoài | % GDP |
Trung Quốc | 20 | 159 | 22 | 597 | 42 |
Ấn Độ | 6 | 62 | 19 | 283 | 16 |
Indonesia | 6 | 48 | 32 | 229 | 11 |
Malaysia | 7 | 52 | 33 | 407 | 43 |
Philippines | 11 | 115 | 54 | 492 | 31 |
Singapore | 6 | 48 | 68 | – | 92 |
Sri Lanka | 4 | 48 | 29 | 70 | 11 |
Thái Lan | 7 | 59 | 32 | 292 | 43 |
Bình quân | 8 | 74 | 36 | 339 | 36 |
Việt Nam | 2,6 | 25 | 17 | 331 | 23 |
Nguồn: IMF
Ngay cả chỉ tiêu thường được biết đến và viện dẫn ở Việt Nam là số tháng nhập khẩu mới đạt 2,6 tháng vào năm 2014, còn thấp hơn mức an toàn tối thiểu thường được nhắc đến là 3 tháng. Hay nếu sử dụng con số dự trữ ngoại hối 48,8 tỷ USD mà IMF ước tính cho Việt Nam trong năm nay thì mức dự trữ ngoại hối này vẫn chỉ tương đương với 3,1 tháng nhập khẩu, quá nhỏ bé so với các nước trong khu vực.
Nói cách khác, quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã và sẽ còn ở mức thấp so với bình quân trong khu vực ít nhất đến hết năm nay, và nếu Chính phủ lại rút bớt ngoại tệ từ đó ra để chi tiêu, rủi ro sẽ tăng cao.
Hiện Ngân hàng Nhà nước thường viện dẫn số liệu dự trữ ngoại hối để làm cơ sở ổn định tỷ giá VND/USD, nếu một phần ngoại tệ được rút ra để tài trợ cho chi tiêu Chính phủ thì cơ sở cho sự ổn định này sẽ bị lung lay. Khi đó, nhà quản lý sẽ phải tính lại bài toán tỷ giá và mục tiêu không điều chỉnh quá 2% một năm như hiện nay.
Có ý kiến cho rằng phần ngoại tệ rút ra từ quỹ dự trữ ngoại hối chỉ để Chính phủ chi tiêu và sẽ hoàn lại, chứ không phải mất đi. Khoản này vẫn là một hạng mục tài sản của Ngân hàng Nhà nước như mọi khoản đầu tư từ nguồn quỹ dự trữ ngoại hối khác vào các sản phẩm tài chính trên thế giới, và vẫn được phản ánh trên bảng cân đối tài sản của Ngân hàng Nhà nước.
Song, lập luận này cần lưu ý đến tính thanh khoản của khoản cho vay. Điều khác biệt chủ yếu giữa các khoản đầu tư của Ngân hàng Nhà nước trên các thị trường tài chính quốc tế với khoản cho vay Chính phủ là các khoản đầu tư của Ngân hàng Nhà nước thường vào các tài sản có tính thanh khoản cao (trái phiếu Chính phủ, các loại giấy tờ có giá khác) nên khả năng thu hồi trong thời gian ngắn. Điều này sẽ đảm bảo quỹ dự trữ ngoại hối đúng nghĩa là quỹ dự trữ – luôn sẵn sàng cho lấy ra để sử dụng khi cần.
Trong khi đó, các khoản cho Chính phủ vay thường được dự trù có kỳ hạn nên sẽ có nhiều khả năng xảy ra “lệch pha” khi Ngân hàng Nhà nước cần thu hồi các khoản cho vay này cho các nhu cầu can thiệp khẩn cấp của mình nhưng Chính phủ không thể thu xếp được ngay nguồn để trả nợ. Trên khía cạnh này, quỹ dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ còn tác dụng trên danh nghĩa.
Tóm lại, việc sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối chỉ nên được coi là giải pháp cuối cùng. Ở bối cảnh này, Chính phủ cần chú ý tiết giảm chi tiêu từ ngân sách nhằm giải quyết những khó khăn trước khi nghĩ đến việc sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối.
Tiến sĩ Phan Minh Ngọc