Cửa hàng nhỏ tìm đường sống chung với đại gia bán lẻ

Anh Thành có một cửa hàng điện thoại trên đường Phan Trọng Tuệ (Hà Nội) đã nhiều năm nay. Trước đây, ngày buôn bán ế ẩm lắm cũng có vài khách hàng đến mua bán máy mới, cũ, làm dịch vụ… Nhưng hiện tại, gần nhà anh mới mở siêu thị kinh doanh sản phẩm di động lớn nên khách đa phần đổ về đó.

“Giờ có khi đôi ba ngày tôi chẳng có khách nào”, anh chia sẻ. Ít mối quen biết ở nước ngoài, cũng chẳng nhiều vốn nên anh Thành không thể kinh doanh hàng xách tay. Mấy tháng nay, anh chuyển sang buôn bán phụ kiện cho điện thoại, máy tính bảng và kiêm luôn nghề dán chống xước, trang trí.

Khoảng 2 năm trở lại đây, các tên tuổi trong lĩnh vực bán lẻ đồ điện tử, viễn thông như FPT Shop, Thế giới di động, Viễn Thông A hay Viettel Store… đầu tư mạnh vào số lượng cửa hàng, siêu thị chuyên kinh doanh thiết bị di động nhằm mở rộng thị trường, thu hút tối đa khách hàng về phía mình. Chính điều này đã “giết chết” nhiều điểm kinh doanh nhỏ lẻ.

Hiện hệ thống Viễn Thông A có trên 100 cửa hàng và trung tâm bảo hành, trong đó hơn 20 cửa hàng đặt tại hệ thống siêu thị Big C, Co.opmart. FPT Shop có 130 cửa hàng và đưa ra mục tiêu 150 đến cuối năm nay. Viettel Store có tầm 150 điểm, còn Thế giới di động sở hữu hơn 300 cửa hàng ở khắp vùng miền. Riêng trong năm nay, đơn vị đã mở tới 90 điểm kinh doanh.

Các cửa hàng nhỏ phải kinh doanh thêm nhiều dịch vụ đi kèm để có cơ hội tồn tại.

Trước sự lớn mạnh từng ngày của các đơn vị theo mô hình kinh doanh có hệ thống và được đầu tư bài bản cả về chiến lược lẫn truyền thông, những cửa hàng kinh doanh lẻ, đại lý nhỏ ngày càng khó tìm cơ hội để duy trì và phát triển. Do vậy, không ít đơn vị rời bỏ cuộc chơi vì không cạnh tranh được, hoặc chuyển sang kinh doanh thêm cả sim thẻ, phụ kiện di động, hàng xách tay, thậm chí đóng cửa để giảm chi phí mặt bằng, tập trung vào bán hàng trực tuyến.

Thực tế, hướng kinh doanh hàng xách tay ở các cửa hàng nhỏ lẻ, đặc biệt là iPhone cũng không còn “hot” như trước bởi giá sản phẩm hiện nay không chênh lệch bao nhiêu so với hàng phân phối chính hãng trong nước, đi kèm với đó là những rủi ro về chi phí và bảo hành. Cơ hội kinh doanh cho các cửa hàng này lại càng hẹp hơn khi đặt tại những tỉnh, thành phố lớn, nơi luôn là mảnh đất tiềm năng số một của các hệ thống siêu thị, vốn sở hữu nhiều vị trí đắc địa cho việc buôn bán ở khu vực đông dân cư.

Hiện Thế giới di động là một trong những đơn vị dẫn đầu về số lượng điểm bán và thị phần. FPT Shop đang tăng tốc để nhanh chóng bắt kịp. Viễn Thông A và Viettel Store cũng không kém cạnh khi có chiến lược riêng thu hút khách hàng cho mình. Một số chuyên gia nhận định, trong bối cảnh các ông lớn cạnh tranh gay gắt với nhau như vậy, các điểm buôn bán lẻ nếu không năng động, mở rộng sản phẩm hoặc tìm một hướng đi mới thì sẽ sớm phải đóng cửa.

Thói quen người tiêu dùng sẽ dịch chuyển sang mua hàng tại siêu thị lớn hoặc cửa hàng chuyên biệt.

Trao đổi vớiVnExpress, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc điều hành hãng sản xuất smartphone HKPhone đánh giá: “Thị trường bán lẻ đang dần dịch chuyển vào tay các chuỗi siêu thị lớn. Đây là điều tất yếu nhờ họ có lượng sản phẩm phong phú, chất lượng dịch vụ ngày một hoàn thiện… và nhất là giá sát với thị trường chung”. Theo ông, trong hoàn cảnh hiện nay, thay đổi mô hình kinh doanh là điều các cửa hàng điện thoại nhỏ nên làm để tiếp tục hoạt động.

“Kinh doanh nhượng quyền là mô hình bắt kịp xu thế, mang lại lợi nhuận cao và tránh được cạnh tranh trực tiếp từ các chuỗi siêu thị trên do được phân phối chuyên biệt. Đó cũng là cách các đại lý nhượng quyền của chúng tôi đang làm và đạt hiệu quả”, ông cho biết thêm.

Bên cạnh đó, các chuỗi siêu thị điện thoại đang dần mở rộng sang hướng các tỉnh thành, địa phương khác trên cả nước. Ông Hoàng nhận định: “Người tiêu dùng tại địa phương dần có thói quen mua hàng ở các siêu thị lớn hoặc cửa hàng chuyên biệt do tâm lý yên tâm hơn khi mua sắm. Đây là lý do mà nhiều cửa hàng điện thoại nhỏ ở tỉnh đã chuyển sang hợp tác với chúng tôi theo hình thức nhượng quyền”.

Bán hàng theo chuỗi đang là xu hướng kinh doanh điện thoại mới

Theo vị lãnh đạo này, phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất tới đại lý mà không qua trung gian (như siêu thị, hệ thống phân phối) sẽ giúp giá sản phẩm ở mức tốt nhất và luôn đồng bộ, không có hiện tượng mỗi nơi một giá. Bên cạnh đó, đại lý vẫn được đảm bảo quyền lợi do lợi nhuận không bị phân nhỏ qua nhiều cấp. Đó là chưa kể, Việt Nam có nhu cầu lớn về smartphone và dự báo tăng mạnh trong tương lai nên đây sẽ thị trường trọng điểm, thu hút sự chú ý của nhiều thương hiệu điện thoại lớn trên thế giới.

Đại diện truyền thông của hệ thống Hoàng Hà Mobile cho rằng, việc chọn đại lý để phân phối sản phẩm độc quyền phù hợp với với một số ít mẫu có tính chiến lược cao. “Ví như Nokia X+ được Thế giới di động độc quyền, họ có hệ thống phân phối trải đều cả nước, khách hàng dễ tiếp cận và mua hàng”, vị này chia sẻ. Cũng theo ông, các model giá rẻ sẽ có lợi hơn trong trường hợp đại lý nằm ở các tỉnh vì người dân thu nhập chưa cao và nhu cầu đối với smartphone nhiều tính năng hiện đại cũng không lớn.

“Muốn đẩy mạnh doanh số, các đại lý nhỏ cần xác định rõ phân khúc khách hàng mà mình nhắm tới, hạn chế hết sức có thể những sai sót về khâu bán hàng và làm tốt vấn đề chăm sóc người mua để có những tệp khách hàng quen thuộc của mình. Sau đó mới xây dựng thêm các định hướng khác”, đại diện Hoàng Hà tư vấn.

Theo khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam, năm 2013, tổng doanh số các sản phẩm điện tử, điện máy đạt khoảng 5,4 tỷ USD, trong đó, số tiền tiêu cho điện thoại gần 2 tỷ USD, tăng 33% so với năm trước. Tính riêng 3 tháng đầu năm 2014, tổng chi cho điện thoại và máy tính bảng tại Việt Nam đạt hơn 16.000 tỷ đồng, riêng điện thoại là 13.900 tỷ đồng.

Hải Khanh

0913.756.339