Trong vòng 48 giờ qua, cơ quan điều hành tiền tệ Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ với biên độ tổng cộng hơn 3%. Quyết định này gây chú ý lớn trên thị trường tiền tệ quốc tế, đặc biệt với những nước có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), việc nhân dân tệ yếu đi sẽ gây tổn hại đến hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là nông sản, khi đây là nơi tiêu thụ chính của Việt Nam. Ngoài ra, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, bao gồm dệt may, thủy sản… sẽ trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế so với sản phẩm tương tự của Việt Nam.
Doanh nghiệp dệt may lo ngại các đơn hàng xuất khẩu năm sau sẽ bị ép giá. Ảnh: Bloomberg |
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Quang Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty May Garmex cho biết doanh nghiệp đã ký hợp đồng mua nguyên liệu, bán hàng hóa với các đối tác Trung Quốc đến hết năm. Các hợp đồng này đều có giá trị tính bằng USD nên việc điều chỉnh tỷ giá nhân dân tệ, trước mắt chưa gây ra hệ lụy. Tuy nhiên, tình hình sẽ trở nên khó khăn vào năm sau, khi các đơn hàng mới được ký.
“Công ty dự kiến chi hơn 20 triệu USD nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Trong bối cảnh các đối tác mua hàng vẫn chỉ định nguồn nhập nguyên phụ liệu và thấy hàng Trung Quốc giảm giá, họ có thể sẽ ép giá hàng từ Việt Nam”, ông nói.
Vị này cũng lo ngại sản phẩm vào châu Âu, Nhật Bản ngày càng khó cạnh tranh với hàng “Made in China”. Theo đó, dù có được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do với EU, thuế xuất khẩu dệt may sẽ giảm từ 9% về 0% trong 7 năm, song do Trung Quốc đã phá giá 3%, những ưu đãi này có thể “không còn gì hết”.
“Việt Nam vừa tăng biên độ tỷ giá thêm 1% để tháo gỡ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, song hàng hóa vẫn đắt hơn Trung Quốc vì mức thay đổi của họ lên tới 3,5%. Hàng Trung Quốc cũng rất phong phú nên có thể nhà nhập khẩu sẽ ham đồ của họ hơn. FTA tuy hoàn tất nhưng chưa biết bao giờ ký, trong khi những rủi ro này sẽ tới trong thời gian ngắn”, lãnh đạo Garmex lo ngại.
Bà Đặng Phương Dung – Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may nhận định việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ tuy chưa ảnh hưởng trong ngắn hạn nhưng nhìn xa hơn, điều này vô hình chung sẽ khuyến khích nhập khẩu, không chỉ với ngành dệt may mà với cả máy móc. “Khi đó, các doanh ngiệp trong nước sẽ ít đầu tư cho việc nội địa hóa. Mà điều này, về dài hạn sẽ rất bất lợi cho hàng hóa Việt Nam đáp ứng các điều kiện về xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế trong các hiệp định thương mại, như với TPP”, bà Dung chia sẻ.
Một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng thừa nhận việc đồng nhân dân tệ mất giá so với đôla Mỹ khiến cho mục tiêu doanh thu nửa tỷ USD năm nay của họ bị ảnh hưởng.
Vị này tính toán, khi doanh nghiệp xuất một lô hàng trị giá 3 triệu NDT, với tỷ giá NDT/USD trước đây là 6,2298 thì lô hàng ấy quy đổi ra được 482.000 đôla Mỹ. Nay mỗi USD quy đổi bằng 6,3306 đồng nhân dân tệ thì lô hàng ấy quy ra USD chỉ còn khoảng 474.000 USD, sụt gần 8.000 USD. “Nếu tình hình nhân dân tệ còn giảm thì khả năng chúng tôi sẽ phải điều chỉnh lại mục tiêu doanh thu”, ông nói.
Ở góc độ vĩ mô, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng trường Đại học tài chính Marketing (Bộ Tài chính) phân tích trong cán cân thương mại chung, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ chiếm 10% tỷ trọng, nhưng ở chiều nhập khẩu là 30%. Với tình hình trên, nếu cơ quan điều hành không có những phòng vệ thích đáng thì nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh, vì nhân dân tệ mất giá thì hàng hoá của Trung Quốc vào Việt Nam sẽ rất rẻ, gây khó khăn cho sự cạnh tranh của các sản phẩm trong nước.
Báo cáo ngày 11/8 của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) cũng cho rằng đồng nhân dân tệ mất giá sẽ tác động tiêu cực đến cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận mức thâm hụt 16,5 tỷ USD với Trung Quốc, trong đó nhập khẩu tăng 23% còn xuất khẩu chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. “HSC ước tính sự giảm giá 1% của đồng nhân dân tệ sẽ làm tăng thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc thêm 0,6-0,8%, và cũng sẽ tác động tăng nhẹ đối với thâm hụt thương mại cả năm nay”, báo cáo nêu.
Theo tiến sĩ Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES), việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ có thể khơi mào cho một cuộc chiến tiền tệ, đằng sau đó là một cuộc xung đột về thương mại, đặc biệt là những nước có quan hệ mậu dịch chặt chẽ với nước này.
“Hàng Trung Quốc xuất sang các nước khác sẽ dễ dàng hơn, nhất là đối với các nước đang tràn ngập hàng Trung Quốc, đó là cơn đau đầu không hề nhẹ với những nước này”, ông cho biết. Với Việt Nam, rõ ràng hàng xuất khẩu Trung Quốc sẽ có ưu thế và nguy cơ nhập siêu sẽ ngày càng lớn.
Nhóm phóng viên