Tại Ngân hàng Kỹ Thương – Techcombank, lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt hơn 1.400 tỷ đồng, tăng khoảng 61% so với năm ngoái nhưng nhà băng này đã không dành khoản lời nào để chia cổ tức cho cổ đông với lý do “dành toàn bộ lợi nhuận vào việc tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh, tiếp tục củng cố và phát triển ngân hàng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và lâu dài”. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp Techcombank không chia cổ tức cho cổ đông. Ban lãnh đạo cho biết 3-5 năm tới vẫn tiếp tục không chia cổ tức.
Như vậy, cổ đông Techcombank sẽ mất gần 7-10 năm đầu tư mà không được đồng lãi nào, trong khi đó, giá trị cổ phiếu nắm giữ cũng chưa biết sẽ ra sao vì ban lãnh đạo chưa có ý định niêm yết trên sàn chứng khoán. Nhiều cổ đông cho rằng, việc không chia cổ tức là bỏ qua quyền lợi và không bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ.
Cổ đông tại HDBank cho rằng nhận cổ tức bằng cổ phiếu là thiệt thòi nên đã kiến nghị chuyển sang chi trả bằng tiền mặt. Ảnh: LC. |
“Cũng giống như việc nhân viên đi làm cuối tháng là phải có lương, chúng tôi đầu tư vào ngân hàng bao nhiêu năm trời mà chưa thấy một đồng tiền lãi nào, kể cả là 1- 2% để gọi là an ủi”, một cổ đông nói với hội đồng quản trị Techcombank.
Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) đang chờ sáp nhập vào Sacombank, và cũng như năm trước tiếp tục không chia cổ tức. Lý do đưa ra là lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ chỉ còn lại khoảng 1,2 tỷ đồng.
Tỷ lệ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ trên vốn điều lệ là 0,03%, theo lãnh đạo SouthernBank là quá thấp. Vì vậy, ngân hàng sẽ trình đại hội đồng cổ đông giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ để hỗ trợ nguồn vốn cho nhu cầu hoạt động kinh doanh.
Cổ đông Ngân hàng Phát triển TP HCM – HDBank thì được chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5%. Tuy nhiên, các cổ đông vẫn không thấy thoả đáng và đồng loạt kiến nghị chuyển sang chi trả tiền mặt.
Một cổ đông cho biết đã đầu tư vào ngân hàng khá nhiều năm, lúc đó số tiền bỏ ra có thể mua được một căn nhà nhưng nay giá trị còn lại không đáng là bao. Tới giờ ngân hàng vẫn chưa niêm yết nên chẳng biết thị giá ra sao và không biết bán cho ai để lấy lại tiền. “Cái chúng tôi cần hiện nay là được chia cổ tức bằng tiền để chi tiêu hàng ngày”, cổ đông này nói.
Và lần đầu tiên trong lịch sử đại hội ngân hàng, các cổ đông nhỏ lẻ đã giành phần thắng trong việc “mặc cả” chuyển cổ tức bằng cổ phiếu sang tiền mặt. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng còn phải phụ thuộc vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Tại đại hội cổ đông cuả các ngân hàng khác như Nam A Bank, Sacombank, ACB… vấn đề cổ tức cũng là tâm điểm chất vấn của cổ đông. Năm nay, trong số gần 40 ngân hàng thì chỉ có gần một nửa được chia cổ tức (cổ phiếu hoặc tiền mặt).
Tại đại hội của một ngân hàng, ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục 2 Cơ quan giám sát Ngân hàng Nhà nước cho rằng nếu chia cổ tức bằng tiền mặt, hoặc chia tỷ lệ cao… có thể sẽ thoả mãn một vài quyền lợi trước mắt cho cổ đông, nhưng bất lợi trong lâu dài. Bởi trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng đều trong giai đoạn tái cơ cấu, vấn đề an toàn hoạt động, nâng cao năng lực tài chính là rất cần thiết.
“Nếu chia cổ tức bằng cổ phiếu thì tiền lời của cổ đông vẫn nằm đó chứ không mất. Ngược lại, số tiền nêu trên có thể giúp ngân hàng tăng vốn hoạt động, có nền tảng phát triển bền vững trong tương lai và khi đó, thị giá cổ phần mà cổ đông nắm giữ cũng sẽ cao hơn”, ông nói.
Ông cũng nói thêm, trước đây nhiều ngân hàng vì thoả mãn quyền lợi trước mắt cho cổ đông nên đã mạnh tay chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao mà không quan tâm đến yếu tố an toàn hoạt động hệ thống, cuối cùng dẫn đến những hệ quả đáng tiếc là ngân hàng yếu kém, cổ đông thậm chí mất luôn cả vốn. Do đó, ông hy vọng cổ đông sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên lợi ích tổng thể hài hoà giữa ngân hàng và cá nhân cổ đông.
Bình luận về quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ, tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Tài chính doanh nghiệp, Đại học Kinh tế TP HCM nhìn nhận, thông thường thì các cổ đông lớn hay hướng đến lợi ích lâu dài, tức dùng lợi nhuận để tái đầu tư nhằm củng cố tiềm lực tài chính vững mạnh trong tương lai. Và điều quan trọng với họ không phải là cổ tức bao nhiêu, có cao hơn lãi suất tiết kiệm không, mà là kế hoạch kinh doanh hoặc đầu tư của ban điều hành đưa ra có hợp lý hay không. Bởi theo nguyên tắc đầu tư, tiền không chia thì cổ tức vẫn nằm đó và sẽ phản ánh vào giá cổ phiếu trong tương lai.
Trong khi đó, cổ đông nhỏ lẻ đầu tư vào cổ phiếu chỉ với mong muốn nhận được cổ tức hoặc trông chờ cổ phiếu tăng giá ngay để bán ra hưởng chênh lệch. Nhưng trong bối cảnh hiện nay thì giá cổ phiếu tăng là tương đối khó (chưa kể nhiều ngân hàng hiện không niêm yết nên rất khó xác định thị giá), do vậy họ hay có tâm lý được đáp ứng lợi ích trong ngắn hạn, tức muốn được chia cổ tức hàng năm nên dẫn đến sự bất đồng quan điểm.
Và theo vị chuyên gia này, việc chia hay không chia cổ tức là do hội đồng quản trị thông qua ý kiến cổ đông. Thường thì cổ đông lớn có tiếng nói trọng lượng hơn và cổ đông nhỏ phải chấp nhận điều này. “Đây là một cuộc chơi, ai mạnh thì thắng, ai yếu thì thua. Nếu cổ đông nhỏ thấy bị bất lợi, hoặc không hài lòng có quyền chuyển nhượng cổ phần để rút lui khỏi tổ chức đó”, ông Chí nói.
Tuy nhiên, ông Chí cho rằng cổ đông nhỏ lẻ vẫn có cách để bảo vệ quyền lợi của mình nếu liên kết lại, chẳng hạn như uỷ quyền cho một đại diện để nắm tỷ lệ áp đảo, hoặc là đồng loạt phủ quyết hay kiến nghị tại các cuộc họp đại hội đồng cổ đông (nếu tỷ lệ đủ để phủ quyết).
Lệ Chi