Chứng khoán châu Á lại trượt dốc

Chỉ số Shanghai Composite chốt phiên giảm 2% xuống hơn 3.142 điểm. Tại Hong Kong (Trung Quốc), Hang Seng Index mất 0,8% xuống 21.493 điểm.

Nền kinh tế lớn nhì thế giới tăng trưởng chậm lại và biến động lớn trên thị trường chứng khoán nước này đã gây áp lực lên chứng khoán toàn cầu vài tuần qua. Từ mức đỉnh tháng 6, vốn hóa trên thị trường Trung Quốc đã mất gần 40%.

Vì vậy, bất kỳ thông tin tiêu cực nào hiện tại cũng sẽ khiến nhà đầu tư bất an, đe dọa hai sàn chứng khoán lớn của nước này là Thượng Hải và Thâm Quyến. Giới chức Trung Quốc đã bơm tiền vào thị trường, giảm lãi suất cho vay và còn cho phép các quỹ hưu trí mua cổ phiếu. Dù vậy, đến nay, tất cả các biện pháp này đều chưa có hiệu quả.

china-share-1439-1441095182.jpg

Nhà đầu tư châu Á vẫn rất bi quan về thị trường. Ảnh: AFP

Trung Quốc hôm qua thông báo trừng phạt những cá nhân lan truyền tin đồn về chứng khoán trên Internet, gây “bất ổn thị trường”. Trong đó có một phóng viên và một quan chức chứng khoán.

Thị trường châu Á hôm nay cũng chung tình trạng với Trung Quốc. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tiếp tục có phiên giảm mạnh nhất châu lục, với 3,8%. Kospi Hàn Quốc mất 1,4%. Trong khi đó, S&P/ASX 200 của Australia chốt phiên giảm 2,1%.

Nhà đầu tư Australia đang rất thận trọng, do bất kỳ sự suy giảm nào tại Trung Quốc đều sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước này. Quyết định chưa giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương Australia càng khiến tâm lý thêm bi quan. Hàn Quốc cũng chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc, khi xuất khẩu nước này giảm mạnh hơn dự kiến, với14,7% trong tháng 8 so với năm ngoái.

Chứng khoán châu Âu mở cửa chiều nay cũng tiếp nối đà giảm, khi nhà đầu tư phân tích số liệu để cân nhắc ảnh hưởng của Trung Quốc lên kinh tế toàn cầu. Chỉ số sản xuất tại cả Nga, Thụy Điển và Ba Lan trong tháng 8 đều đi xuống.

Đến 3h (giờ Hà Nội), Stoxx Europe 600 mất 1,3%. Tại 3 nền kinh tế đầu tàu châu Âu, FTSE 100 (Anh), DAX (Đức) và CAC 40 (Pháp) giảm lần lượt 1,8%, 2,2% và 1,9%.

Hà Thu (theo BBC/Bloomberg)

0913.756.339