– Vừa qua, Keangnam Enterprises tại Hàn Quốc vướng vào bê bối hối lộ, lập quỹ đen, đồng thời phải rút niêm yết vì kinh doanh thua lỗ. Điều này ảnh hưởng như thế nào đền hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam?
– Trước hết, chúng tôi thành thật xin lỗi vì những vấn đề của tập đoàn tại Hàn Quốc đã gây lo lắng, bất an cho khách hàng, đối tác kinh doanh và người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, Keangnam Vina là công ty quản lý tài sản và là chủ sở hữu tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark (Hà Nội). Chúng tôi có tư cách pháp nhân độc lập ở Việt Nam. Do đó, hoạt động kinh doanh và vận hành của dự án hiện có sẽ không bị ảnh hưởng bởi khó khăn của tập đoàn tại Hàn Quốc.
Ngoài ra, việc vận hành tòa tháp Keangnam Hanoi Landmark cũng không phụ thuộc vào tập đoàn Keangnam Enterprises. Do đó, tất cả các quyền lợi và tài sản của khách hàng mua chung cư, thuê văn phòng các đối tác kinh doanh cũng được bảo vệ theo quy định của Việt Nam, kể cả đội ngũ nhân viên đang làm việc tại công ty.
Lãnh đạo Keangnam Vina cam kết đảm bảo tiến độ các dự án tại Việt Nam. |
– Sau sự kiện tại Hàn Quốc, nhiều chủ nợ của các dự án Keangnam đang triển khai tại nước ngoài cho biết “không chắc chắn” về cách giải quyết tiếp theo. Điều này ảnh hưởng các dự án mà doanh nghiệp đang triển khai ở Việt Nam, chẳng hạn hệ thống xử lý nước thải tại Việt Trì?
– Keangnam Enterprise là công ty đầu tiên của Hàn Quốc mở rộng kinh doanh sang thị trường nước ngoài, song không phải là công ty đầu tiên và duy nhất vướng vào các bê bối nêu trên.
Không ít công ty Hàn Quốc có dự án ở Việt Nam gặp vấn đề này và thực tế cho thấy, những khó khăn trong nước hoàn toàn không ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án tại nước ngoài. Do đó, các đối tác tài chính không có lý do gì để thay đổi chính sách hoặc chiến lược đầu tư cùng chúng tôi. Tiến độ dự án giữ nguyên như trước và sẽ được hoàn thành.
Tại Việt Nam, chúng tôi đang tham gia gói thầu xây lắp và cung cấp thiết bị cho Dự án Hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại Việt Trì (Phú Thọ). Tôi khẳng định tiến độ đầu tư nhà máy hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Đây là nhà máy có tổng mức đầu tư gần 33 triệu USD, sử dụng vốn ODA theo chương trình tín dụng giữa Việt Nam và Quỹ Hợp tác phát triển Hàn Quốc (EDCF). Dự án được khởi công vào tháng 10 năm ngoái và sẽ hoàn thành vào giữa năm 2017.
– Vậy trong thời gian tới, chính sách đầu tư của Keangnam tại Việt Nam sẽ ra sao, thưa ông?
– Tại Hàn Quốc, Keangnam Enterprise có tham gia chương trình “doanh nghiệp quản lý bởi Tòa án”, do Chính phủ kiểm soát nhằm khắc phục tình trạng tài chính tồi tệ, nếu có. Tại nước chúng tôi, đây cũng là cách giúp các tập đoàn lớn an toàn hơn các doanh nghiệp thông thường khi đối mặt với khủng hoảng tài chính.
Thời gian này, các hoạt động của tập đoàn tại Hàn Quốc tiếp tục diễn ra bình thường. Do đó, Keangnam cam kết với người dân và các đối tác tại Việt Nam rằng tất cả các hoạt động kinh doanh và vận hành của tập đoàn sẽ không có gì thay đổi, đặc biệt không có tác động xấu nào tới các dự án ở Việt Nam.
Giữa tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Keangnam đã phải rút niêm yết bắt buộc khỏi thị trường chứng khoán Hàn Quốc, do kinh doanh thua lỗ, mất vốn. Hãng xây dựng Hàn Quốc cũng vướng vào một bê bối hối lộ liên quan đến các quan chức và cựu quan chức cấp cao. Hồi đầu tháng, cựu Chủ tịch Sung Woan Jong của hãng đã tự tử khi đang bị điều tra nghi án lập quỹ đen dưới thời Tổng thống Lee Myung Bak. Điều này khiến một loạt dự án xây dựng Keangnam Enterprises đang thực hiện tại Việt Nam, Sri Lanka, Ethiopia và Algeria đứng trước nguy cơ đổ bể. |
Thành Tâm