Chủ tàu bến Bạch Đằng lo phá sản

Trước thông tin Sở Giao thông Vận tải TP HCM trình công văn lên UBND TP HCM đề nghị tất cả các tàu du lịch và nhà hàng nổi ngưng hoạt động tại khu vực bến Bạch Đằng (quận 1) từ ngày 15/1 để phục vụ việc cải tạo, chỉnh trang lại theo quy hoạch, khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.

Ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH thuyền buồm Đông Dương cho hay, thông tin trên quá bất ngờ và đột ngột khiến các doanh nghiệp kinh doanh đang “chết dở”.

“Chúng tôi đã kinh doanh 10 năm ở đây, bỏ ra mấy chục tỷ đồng để đầu tư 10 chiếc thuyền buồm lớn nhỏ. Nếu bị ngưng hoạt động, chúng tôi có thể bị phá sản và hơn 80 nhân sự sẽ mất công ăn việc làm. Đặc biệt, công ty còn phải bồi thường hợp đồng cho các đơn vị du lịch đã ký kết trong năm nay. Kéo theo đó, sẽ có khoảng 100 đối tác cả trong và ngoài nước của công ty bị ảnh hưởng dây truyền”, ông Lâm cho biết.

thuyen-1-final-4976-1420619609.jpg

Rất nhiều chủ tàu lo phá sản nếu không còn được neo đậu tại bến Bạch Đằng.

Bởi lẽ, theo ông Lâm, đây là một trong những phương tiện đặc thù, nếu di chuyển về các miền quê thì rất khó hoạt động vì bến Bạch Đằng là bến trung tâm, nơi du khách tập trung và biết đến nhiều nhất. Từ bến này sẽ tỏa đi các bến nhỏ hơn để khách tham quan du lịch, chứ ít khi có khách xuất phát từ các bến nhỏ.

“Trước đó, chúng tôi đâu có tự ý kinh doanh mà do TP HCM khuyến khích và kêu gọi đầu tư. Thành phố cũng coi đây là nét riêng trong hoạt động kinh doanh du lịch sông nước. Năm 2014, doanh nghiệp đã đầu tư hàng tỷ đồng để quảng bá, mà giờ buộc ngừng kinh doanh thì khó chấp nhận”, ông Lâm bộc bạch

Ông cũng đề nghị, nếu cơ quan chức năng buộc hoãn kinh doanh để quy hoạch lại thì cũng cần sắp xếp bến đậu mới, cũng như hỗ trợ để doanh nghiệp có cơ hội kinh doanh.

Cũng trong tình cảnh “đứng ngồi không yên”, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Phong (River Tour) than thở nếu quyết định trên được thực thi và nhà chức trách kiên quyết bắt doanh nghiệp ngừng hoạt động thì đơn vị của ông không tránh khỏi phá sản.

Hiện nay River Tour có 8 chiếc tàu cano, mỗi ngày chở 200-300 khách. Trong khi đó, TP HCM chỉ có một bến duy nhất là Bạch Đằng, nếu buộc ngưng hoạt động thì công ty sẽ phải bồi thường hợp đồng đã ký kết cho các đối tác du lịch nước ngoài. Thêm nữa, mấy chục nhân sự trong công ty cũng sẽ mất việc.

“Việc này không chỉ ảnh hưởng đến đơn vị chúng tôi, mà ngành du lịch TP HCM cũng sẽ bị tác động dây chuyền, đặc biệt, thời điểm cuối năm là lúc khách quốc tế đổ xô qua Việt Nam”, ông Phong nhận định.

thuyen-2-final-6682-1420619610.jpg

Chủ tàu cho rằng nếu có thanh lý thì cũng chỉ với giá “sắt vụn”.

Là đơn vị sở hữu 7 chiếc tàu và một du thuyền, ông Võ Hoàng Nhật, Giám đốc Công ty Du lịch Sông Xanh cũng cho biết, tính đến thời điểm này công ty đã ký tất cả các hợp đồng vận chuyển khách du lịch tới tháng 5/2015 cho nên rất khó ngưng hoạt động.

“Cơ quan chức năng thông báo quá đột ngột mà không có lộ trình khiến chúng tôi không biết xoay sở ra sao. Nếu tình hình này không được cải thiện, có thể toàn bộ nhân viên sẽ phải nghỉ việc đột ngột và công ty dường như bế tắc không biết đi đâu về đâu. Việc làm này chẳng khác gì khai tử doanh nghiệp”, ông Nhật nói.

Tác động không lớn như các công ty du lịch, tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp kinh doanh tàu thuyền đón khách tại đây cũng dự đoán, nếu phải ngừng hoạt động dù chỉ một ngày, công ty cũng mất doanh thu cả trăm triệu đồng. Nếu cả tháng sẽ lên cả gần tỷ đồng. Còn thanh lý số tàu thuyền, công ty cũng không biết bán cho ai và giá cả thì chỉ ngang với giá “sắt vụn”: “Chúng tôi không phản đối việc Thành phố ngưng hoạt động bến để đầu tư, chỉnh trang lại, nhưng phải thông báo trước để chúng tôi tính toán chuyện kinh doanh. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần có phương án bố trí nơi hoạt động tạm thời và lộ trình rõ ràng cho doanh nghiệp”, đại diện công ty trên cho biết.

Để có giải pháp mới, đồng thời cứu doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ phá sản, hơn 30 doanh nghiệp kinh doanh tại bến Bạch Đằng đang làm bản kiến nghị gửi lên Sở Giao thông và UBND Thành phố nhờ giúp đỡ, tìm hướng giải quyết cho doanh nghiệp.

“Việc cấm kinh doanh đột ngột sẽ làm mất uy tín của doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài như Nga, Mỹ, châu Âu… Đồng thời, việc kinh doanh của các đơn vị sẽ bị xáo trộn, hoạt động du lịch sông nước cũng sẽ khó phát triển”, văn bản nêu.

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết đã có công văn gia hạn cho các tàu du lịch và tàu nhà hàng được hoạt động tại bến Bạch Đằng đến ngày 15/1, thay vì thời hạn là ngày 31/12/2014 như trước đây để quy hoạch và chỉnh trang bến.

Tuy nhiên, Sở này cũng cho biết, sau khi cải tạo, các tàu có được đậu và hoạt động tại bến Bạch Đằng nữa hay không sẽ do UBND Thành phố quyết định.

Bến Bạch đằng là địa điểm du lịch nổi tiếng của TP HCM. Hiện, bến có gần 60 phương tiện hoạt động gồm các loại tàu cánh ngầm, tàu chở khách du lịch và tàu nhà hàng.

Giữa năm 2013, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương giao cho Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đầu tư khai thác và quản lý bến Bạch Đằng, biến cảng này thành cảng du lịch để phát triển du lịch đường sông cùng các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí khác.

Thi Hà

0913.756.339