Chính phủ tiếp tục muốn phát hành trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu nợ

Vấn đề phát hành trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu nợ Chính phủ trong nước được quan tâm nhất khi Thường vụ Quốc hội thảo luận về báo cáo kinh tế – xã hội và tờ trình công tác phát hành trái phiếu và tái cơ cấu nợ Chính phủ trong phiên họp ngày 12/10.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ mới đạt gần 127.500 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch. Trong đó, kỳ hạn 5 năm là hơn 64.000 tỷ, 10 năm trở lên đạt hơn 63.400 tỷ, và riêng kỳ hạn 20 năm là 4.230 tỷ đồng.

chinh-phu-tiep-tuc-muon-phat-hanh-trai-phieu-quoc-te-de-tai-co-cau-no

Ngoài tái cơ cấu nợ, Bộ trưởng Tài chính cho biết số tiền thu được từ phát hành trái phiếu sẽ được dùng để bù đắp bội chi. Ảnh: Q.D

Trong khi đó, khối lượng thanh toán gốc và lãi trái phiếu Chính phủ trong 9 tháng là gần 160.700 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng vốn huy động mới không đủ để thanh toán trả nợ khối lượng gốc và lãi nợ đến hạn, thiếu hụt hơn 33.200 tỷ đồng.

Trước diễn biến này, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phát hành trái phiếu quốc tế nhằm tái cơ cấu nợ, đồng thời khẳng định vẫn duy trì tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ không quá 50% dư nợ, theo chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030. Trước đó vào cuối năm 2014, Bộ Tài chính cũng đã phát hành thành công một tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế nhằm đảo nợ các khoản vay đến hạn vào năm 2016 và 2020.

Theo số liệu của The Economist, đến ngày 12/10, nợ công của Việt Nam được ước tính ở mức 92,64 tỷ USD, tương đương gần 1.017 USD trên một đầu người.

Trong khi đó, số liệu công bố gần nhất của Bộ Tài chính cho thấy nợ công đang tương đương 59,6% GDP.

Tại phiên thảo luận, kế hoạch này nhận được sự ủng hộ của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính & Ngân sách – Phùng Quốc Hiển. Ông Hiển cho rằng do nhu cầu đầu tư phát triển, chi cho con người không ngừng tăng nên từ năm 2009 đến nay, toàn bộ vốn đầu tư phát triển đã phải đi vay. “Mong muốn là làm sao chúng ta vay được thời gian trả nợ dài nhất, lãi vay thấp nhất và rủi ro ít nhất. Tuy nhiên, thị trường lại có một vấn đề. Đó là người ta mong muốn thời gian đáo hạn ngắn nhất và lãi suất thì phải cao”, ông Hiển nói.

Nhắc lại nguyên tắc Luật Ngân sách không cho phép phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ, song ông Hiển thừa nhận đây gần như là cách khả thi nhất khi mà phát hành trái phiếu trong nước từ đầu năm đến nay đang gặp khó, vẫn còn hơn 40% chưa thực hiện được. “Chính phủ đang đề nghị phát hành trái phiếu quốc tế, tất cả đều giành cho đảo nợ. Nếu Quốc hội bảo không thì Chính phủ phải chấp hành, nhưng khi đó tình hình sẽ hết sức khó khăn”, ông Hiển nói.

Cho ý kiến vào đề án này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý phải có biện pháp thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển ở tầng sơ cấp lẫn thứ cấp để lôi kéo các nhà đầu tư. “Tôi biết các ngân hàng, công ty bảo hiểm có tiền, họ sẵn sàng mua nhưng làm sao để khi cần, ví dụ sau 1-2 năm dù chưa hết hạn nhưng họ phải bán được chứ ai dám để tiền trong 5-10 năm, 20 năm theo các kỳ hạn. Tức là phải có thị trường”, ông Hùng nói. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong bối cảnh nợ công áp lực lớn như hiện nay thì yêu cầu của Quốc hội khi phát hành trái phiếu cần có thời hạn dài. “Ngắn cũng phải 3 năm, chứ nếu thời hạn chỉ là một năm thì không thể. Như vậy cứ sang Ngân hàng Nhà nước mà vay chứ đi phát hành làm gì cho mất phí, mất tiền trả lãi”, ông nhấn mạnh, đồng thời gợi ý cần có một cơ cấu tỷ lệ phù hợp như trái phiếu kỳ hạn 3 năm chỉ chiếm dưới 30%, còn lại phải từ 5 năm trở lên.

“Kéo dài thời hạn không chỉ để đỡ áp lực trả nợ mà quan trọng là để tiền vay làm ra của cải, có thứ mà trả nợ chứ không phải vay tiếp để trả”, ông Hùng nói thêm.

Trước đó, đánh giá chung về tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm, Chính phủ cho rằng nền kinh tế phục hồi rõ nét, tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Cơ quan điều hành ước thực hiện một số chỉ tiêu năm 2015 như GDP khoảng 6,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, nhập siêu khoảng 3,6%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%… Trong 14 chỉ tiêu đề ra dự kiến có một không đạt là tỷ lệ che phủ rừng.

Theo Chính phủ, việc phá giá đồng tiền của Trung Quốc cùng với việc giảm giá dầu thô và các mặt hàng nông sản xuất khẩu có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam nhưng không lớn.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế – xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như chưa có nhiều giải pháp cụ thể, hiệu quả để khắc phục các mặt trái của quá trình hội nhập quốc tế. Cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đạt thấp và tái cơ cấu ngân hàng thương mại yếu kém đang là thách thức lớn. Nợ công và áp lực trả nợ công, nợ nước ngoài ngày càng tăng.

Đồng tình với nhận định kinh tế – xã hội có chuyển biến tích cực, song báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế vẫn lo ngại phục hồi tăng trưởng thiếu yếu tố bền vững. Điển hình là việc khai thác dầu vượt kế hoạch gần 1,2 triệu tấn trong điều kiện giá dầu ở mức giá quá thấp. Hay tình hình nhập siêu quay trở lại sau 3 năm 2012-2014 xuất siêu….

Trong khi đó, điều Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lo ngại nhất là vấn đề nhập siêu. “Nhập siêu có khả năng lớn lên. Báo cáo Chính phủ có nói dưới 5% nhưng sẽ rất khó đấy bởi ta đang nhập từ thuốc trừ sâu , thức ăn gia súc, phụ tùng, đến các mặt hàng thế mạnh như dày dép cũng nhập nguyên liệu”, ông nói.

Theo ông Hùng, hệ lụy của nhập siêu tăng sẽ làm nguy cơ thiếu ngoại tệ, khi đó, dự trữ ngoại tệ giảm xuống thì khó ổn định tỷ giá, tác động lên điều hành vĩ mô.

T. Đức

0913.756.339