Chiêu giành khách trên thị trường truyền hình trả tiền

Chia sẻ công việc kinh doanh hiện tại, lãnh đạo một đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền ví von thị trường này hiện nay không khác gì viễn thông vài năm về trước. Do có nhiều doanh nghiệp tham gia với quy mô, năng lực khác nhau, mức độ cạnh tranh là rất lớn. 

“Từ những phương thức cạnh tranh lành mạnh như tăng kênh, nâng cao chất lượng thì không ít đơn vị còn dùng các chiêu như cắt cáp,  nói xấu lẫn nhau. Nhân viên kỹ thuật của nhiều đơn vị đi lắp cáp cho khách hàng ở khu vực nào thì ‘tiện thể sát phạt’ luôn cáp của những doanh nghiệp khác. Khách hàng khi đó không hiểu, chỉ cho rằng chất lượng dịch vụ của chúng tôi kém, dọa cắt hợp đồng”, vị này nói.

Nhắc đến các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, lãnh đạo Truyền hình Cáp Saigontourist (SCTV) lấy ngay ví dụ về câu chuyện của đơn vị này cách đây không lâu tại một số quận như Hoàng Mai, Long Biên (Hà Nội)… bị cắt cáp, ảnh hưởng tới cả chục nghìn khách hàng. Sau đó, đơn vị này mời công an vào cuộc và chứng cứ thu thập cho thấy chỉ cũng những người trong nghề mới có thể phá hoại được, tuy nhiên, việc tìm ra thủ phạm không phải dễ dàng. 

Phát tờ rơi bêu xấu đối thủ với khách hàng cũng là một trong những “chiêu” từng được doanh nghiệp truyền hình trả tiền áp dụng. Thậm chí, cách đây không lâu, nhiều khách hàng trên địa bàn Hà Nội nhận được tờ rơi tiếp thị dịch vụ kèm theo bài báo nói xấu đối thủ. 

truyen-hinh2-2920-1420630107.jpg

Cuộc đua giá cước trên thị trường truyền hình trả tiền hiện vẫn không có hồi kết. Ảnh minh họa

Trong khi đó, cuộc đua giảm giá cước vẫn trên thị trường truyền hình trả tiền vẫn chưa có hồi kết.  Đây cũng là bài toán khiến lãnh đạo các doanh nghiệp phải đau đầu nhất vì ngày càng có nhiều đơn vị có tiềm lực sẵn sàng “tham chiến”. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ cũng không ngần ngại giành giật từng mẩu bánh thị phần.

2014 có thể nói là năm ghi nhận cuộc rượt đuổi của các nhà đài về mức giá cước cũng như khuyến mại. Hồi giữa năm, ngay sau khi SCTV giảm gói cước tới 49%, chỉ còn 80.000 đồng mỗi tháng thì VTVCab lập tức tung ra chương trình khuyến khích khách hàng đóng trước từ 1-2 năm sẽ được giảm giá 15-20%. Khi thâm nhập những thị trường mới, nhiều đơn vị càng chịu chi hơn cho cuộc đua khuyến mãi, giảm giá như tặng đầu thu, miễn phí hòa mạng…

Gần đây, có doanh nghiệp còn tung ra gói cước chỉ 20.000 đồng mỗi tháng, trong đó khách hàng vẫn được xem 72 kênh truyền hình, chưa kể các khuyến mãi đi kèm.

“Đưa ra mức giá đó thì chúng tôi không biết xoay sở ra sao để có tiền đầu tư vào nội dung cũng như đem về lợi nhuận”, vị lãnh đạo trên nhận định

Tại hội nghị quốc tế về truyền hình trả tiền được tổ chức hồi giữa tháng 9, câu chuyện cước phí quá rẻ là nội dung thu hút được nhiều sự chú ý nhất từ đại diện các doanh nghiệp. Có chuyên gia còn ví von cước truyền hình trả tiền của Việt Nam chưa bằng một bữa ăn sáng. Các ý kiến tại đây đều cho rằng  cước phí thấp đang là lý do được đưa ra để biện giải cho việc Việt Nam không có nhiều chương trình chất lượng cao. 

“Do không có nhiều kinh phí để sản xuất chương trình nên các nội dung trong nước của truyền hình trả tiền rất kém, nghèo nàn. Những nội dung mua bản quyền cũng không chất lượng. Vì thế, giá cước rẻ chưa phải là tất cả. Thực tế cho thấy, có đến hơn một nửa kênh sóng của các đài là giống nhau. Nhiều phim được chiếu quay vòng từ nhà đài này qua nhà đài khác “, bà Ngô Bích Hạnh – Phó tổng giám đốc Vietnam Media Corp BHD nhận định.

Đại diện K+ cho rằng do cạnh tranh gay gắt nên một số đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước buộc phải giảm giá dich vụ để giữ thị phần. Tuy nhiên, vị này cho rằng, với cách làm như vậy thì doanh nghiệp không có chi phí sản xuất hay mua bản quyền những chương trình chất lượng, đầu tư vào nội dung. 

“Về lâu dài, chúng tôi không muốn chọn hướng giảm cước để cạnh tranh mà sẽ tập trung đầu tư cho nội dung mới ở mức cao để thu hút thuê bao”, ông cho hay. Ông cũng tiết lộ đơn vị này vừa có chiến lược nội dung mới, trong đó bên cạnh các giải bóng đá, K+ sẽ có thêm phim ảnh, game show. 

Theo ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV), các đơn vị truyền hình trả tiền cần cạnh tranh trong sự hợp tác, không nên dùng những chiêu trò gây bất lợi cho các đơn vị khác vì có thể vô tình hạ uy tín của mình. Về các chiêu khuyến mãi, giảm giá, ông Cường cho rằng dù thế nào thì các đài vẫn phải chú ý tới kênh chất lượng tốt hoặc phát triển các thế mạnh của mình thì mới thu hút và giữ được chân thuê bao.

“Trong bất kỳ hoạt động kinh doanh nào thì chất lượng sản phẩm mới vẫn luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu“, ông Cường chia sẻ.

Ngọc Minh

0913.756.339