Đã cuối quý II/2015, Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) vẫn chưa họp đại hội cổ đông thường niên. Báo cáo tài chính cập nhật nhất của ngân hàng mới dừng lại ở cuối quý III năm ngoái, trong đó cho thấy nợ quá hạn lên đến gần 7.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 13,5% tổng dư nợ. Ngoài ra còn xuất hiện thông tin DongA Bank kinh doanh thua lỗ và đang bị Ngân hàng Nhà nước thanh tra. Tổng giám đốc Trần Phương Bình trao đổi với VnExpress.net về những vấn đề này.
– Thời gian gần đây xuất hiện nhiều thông tin không mấy khả quan về DongA Bank như nợ xấu cao, kinh doanh thua lỗ và bị Ngân hàng Nhà nước thanh tra. Ông nói sao về điều này?
– Đúng là tỷ lệ nợ xấu của chúng tôi cao hơn so với quy định, nhưng chủ yếu do ngân hàng hạn chế thực hiện việc cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, vì chúng tôi muốn cùng khách hàng giải quyết một cách dứt điểm các khoản nợ này. Đồng thời, DongA Bank cũng chấp nhận “giải phẫu” triệt để nên tiến hành kê khai, hoạch toán đầy đủ tất cả các khoản nợ xấu để đưa ra giải pháp xử lý tốt nhất.
Thời gian tới, ngân hàng dự kiến bán cho VAMC khoản lớn nợ xấu, kèm với các chính sách xử lý quyết liệt khác, đến cuối năm sẽ đưa nợ xấu về tỷ lệ dưới 3% theo yêu cầu của Thống đốc. Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, tỷ lệ nợ xấu này là giảm thật chứ không phải dựa vào việc tăng mạnh dư nợ.
Về lợi nhuận, năm 2014 ngân hàng không có lợi nhuận vì chủ yếu tập trung vào công tác xử lý nợ xấu. Quan điểm của ban lãnh đạo DongA Bank là phải đảm bảo an toàn trong hoạt động, dù phải hy sinh lợi nhuận trước mắt.
Riêng việc Ngân hàng Nhà nước thanh tra, đây là hoạt động thanh tra bình thường theo kế hoạch định trước và chúng tôi đang giải trình về hoạt động tín dụng.
Tổng giám đốc Trần Phương Bình. |
– Tại sao đến thời điểm này, ngân hàng vẫn chưa tiến hành họp đại hội cổ đông thường niên 2015?
– Theo lịch trình thì ngân hàng dự kiến tổ chức đại hội đầu tháng 4/2015, nhưng do đang giai đoạn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước nên chúng tôi phải bố trí nhân sự làm việc với họ. Mặt khác, DongA Bank cũng muốn có thêm thời gian để chuẩn bị công tác tổ chức tốt hơn.
– Liên quan đến sáp nhập, DongA Bank có kế hoạch gì với ABBank?
– Mua bán, sáp nhập là xu hướng chung của ngành ngân hàng và cũng là chủ trương của Ngân hàng Nhà nước nhằm đạt được mục tiêu đến 2017 chỉ còn chừng 20 ngân hàng lớn và mạnh về tiềm lực tài chính. Chúng tôi cũng muốn nói rõ, thời gian qua ABBank là ngân hàng tìm đến DongA Bank, nhưng đây mới là về mặt chủ trương, còn nhiều vấn đề khác cần phải triển khai trước khi quyết định có sáp nhập với nhau hay không.
Và đến nay, một khi Hội đồng quản trị của DongA Bank chưa trình qua Đại hội cổ đông vấn đề này thì đó vẫn là một câu chuyện còn dài (trên thực tế, một số cổ đông lớn của DongA Bank không đồng thuận với việc sáp nhập này). Hiện tại, chúng tôi vẫn nhất quán quan điểm, đối tác nào thực sự quan tâm đến DongA Bank và có thể cùng nhau mang lại sự phát triển bền vững thì sẽ được lựa chọn.
– Đối với việc bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại đã được ngân hàng triển khai tới đâu?
– Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến DongA Bank vì chúng tôi là ngân hàng có tiềm năng phát triển. Hiện tại, chúng tôi cũng đã nhắm đến một đối tác phù hợp nhưng do có những thoả thuận riêng về đảm bảo bí mật thông tin nên không thể tiết lộ thêm.
– DongA Bank là ngân hàng khá mạnh về công nghệ, đặc biệt là ATM. Vậy thời gian qua mảng này hoạt động như thế nào?
– Hiện nay riêng mảng thẻ, ngân hàng thu hút hơn 5 triệu khách hàng sử dụng. Tuy nhiên, thời gian qua chúng tôi nhận thấy dịch vụ giao dịch tự động qua máy ATM vẫn còn hạn chế, chỉ dừng lại ở một vài tiện ích đơn lẻ như: rút tiền, giao dịch trực tuyến… Do đó, nhằm đem đến những ứng dụng hiện đại và tiện dụng hơn, DongA Bank đã đưa vào sử dụng ngân hàng tự động (Auto Banking) được tích hợp đầy đủ các chức năng giao dịch ngân hàng cơ bản và cập nhật hàng loạt công nghệ mới nhất.
Khách hàng cá nhân có thể đến đó bất cứ lúc nào để thực hiện tất cả các dịch vụ như rút tiền, nộp tiền, thực hiện các dịch vụ thanh toán, đưa ra các yêu cầu cụ thể đối với ngân hàng… mà không cần đến phòng giao dịch. Khi nộp tiền vào máy, tất cả những tờ tiền này đều được chụp và lưu lại hết mã số seri (những khách hàng có dùng dịch vụ mobile và internet banking của DongA Bank thì ngay sau khi nộp, máy sẽ báo số dư vào tin nhắn).
Dù mới chính thức đi vào sử dụng chưa đầy hai tháng nhưng hiện đã có 42 buồng Auto Banking trên toàn quốc, đến cuối năm 2015, chúng tôi dự kiến có ít nhất 150 buồng. Mô hình này sẽ thay thế dần các phòng giao dịch 24 giờ của ngân hàng.
Trước đây, khi chưa có máy tự động, mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận hơn 20.000 lượt người đến thực hiện giao dịch nộp tiền vào tài khoản. Nghĩa là ngân hàng phải in ra 60.000 tờ giấy ghi thông tin, chưa kể các chi phí máy móc, điện đài, nhân sự…
– Cá nhân ông đã ngồi “ghế nóng” hơn 20 năm, bao giờ ông tính chuyển giao cho người kế cận?
– DongA Bank đúng là đang vướng vấn đề người điều hành phải làm chiến lược. Tôi không phải là người “tham quyền cố vị”, cái khó là ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu và sắp xếp lại nên chưa thể buông.
Cái nghiệp “buôn tiền” vốn dĩ đau đầu, vì vậy để kiếm ra một tổng giám đốc ngân hàng đủ năng lực, đủ bản lĩnh là không hề dễ dàng. Chính vì thế, dàn khung lãnh đạotrong tương lai bắt buộc phải được trui rèn, được thử thách nên tôi cần có thời gian để sắp xếp việc đó. Bởi tôi cho rằng, cạnh tranh lớn nhất trong ngành ngân hàng vẫn là cạnh tranh nguồn nhân lực.
Dự kiến tối đa trong vòng hai năm, DongA Bank sẽ tái cơ cấu xong và đi vào hoạt động ổn định. Khi đó tôi sẽ lui về làm công tác quản trị, đồng thời chuyển giao lại công việc điều hành cao nhất cho thế hệ kế cận.
Lệ Chi