Nhà máy tuyển quặng ‘chết yểu’, nợ xấu hơn 100 tỷ đồng

Ra đời từ năm 2008 với mục đích cung cấp nguyên liệu quặng sắt cho Nhà máy thép Vạn Lợi (Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), thế nhưng, nhà máy tuyển quặng thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sắt Vũ Quang sớm chết yểu vì bị đầu tư dang dở rồi bỏ hoang, nguyên liệu làm ra không tiêu thụ được.

Ghi nhận tại nhà máy này đầu tháng 9 cho thấy, một khu vực rộng lớn của nhà máy bỏ hoang từ lâu. Máy móc, thiết bị, dây chuyển hoen gỉ để phơi nắng phơi mưa. Đặc biệt, nguyên liệu quặng sắt đã khai thác được tập kết thành nhiều đống khổng lồ chất cao như núi. Tại một dãy nhà hành chính, phòng làm việc của cán bộ, nhân viên công ty bị niêm phong từ tháng 2.

Nhà máy tuyển quặng thuộc công ty sắt Vũ Quang ra đời vào tháng 2/2008, với tổng mức đầu tư hơn 158 tỷ đồng, công suất 500.000 tấn một năm, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/2009 với mục đích cung cấp nguyên liệu cho nhà máy thép Vạn Lợi ở Vũng Áng.

Tuy nhiên, do nhà máy thép Vạn Lợi (tổng mức đầu tư 1.764 tỷ đồng tọa lạc trên diện tích hơn 25,8ha thuộc Khu Kinh tế Vũng Áng, công suất 250.000 tấn một năm) đầu tư dang dở, chết yểu từ năm 2010 nên Công ty sắt Vũ Quang cũng chết theo vì nguyên liệu không thể tiêu thụ.

nha-may-8972-1442111437.jpg

Nhà máy bị bỏ hoang, máy mắc hoen gỉ.

Ngày 14/9, ông Ngô Hồng Sơn – Phó giám đốc Công ty sắt Vũ Quang cho biết, dù nhà máy đã ngừng hoạt động từ năm 2012 nhưng đơn vị vẫn đang nợ lượng công nhân, nợ bảo hiểm, nợ vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Trong đó, nợ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Bắc Hà Nội lớn nhất – gần 100 tỷ đồng, nợ Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn (Agribank) Hà Tĩnh chi nhánh Vũ Quang hơn 8 tỷ đồng.

Cũng theo ông Sơn, năm 2013, trong thời điểm cam go nhất vì nguyên liệu làm ra không thể tiêu thụ, nợ lương công nhân, nợ thuế…, công ty đã khổ sở chạy tìm đối tác ở tỉnh Quảng Ninh để xuất ra 4.500 tấn quặng. Tuy nhiên, khi tàu chuẩn bị rời cảng thì bị cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh chặn lại, bốc dỡ nguyên liệu vì… đã trái với cam kết trước đó, nguyên liệu chỉ được phục vụ cho nhà máy thép Vạn Lợi.

Sự việc nhùng nhằng, cuối cùng chuyến hàng đó cũng được xuất thành công, nhưng bên đối tác đã trừ chi phí phát sinh, nộp phạt mất một nửa. “Trị giá chuyến hàng đó là 4,8 tỷ đồng, nhưng do bị bắt, trừ các chi phí, sau này khách hàng họ chỉ thanh toán cho mình một nửa”, ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Phó giám đốc bảo hiểm Vũ Quang cho biết, Công ty sắt Vũ Quang đang nợ bảo hiểm 457 triệu đồng. Số nợ này đã được khoanh lại từ năm 2013. Số tiền nợ bảo hiểm này là của 112 công nhân. Về hướng giải quyết cho số nợ này, ông Toàn cho biết, doanh nghiệp đang “chết lâm sàng” chứ chưa giải thể, do đó cũng chỉ biết… chờ, bởi họ không có khả năng thanh toán. Nếu thông báo phá sản thì bảo hiểm mới tiến hành các thủ tục giãn nợ. Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn chi nhánh Vũ Quang cho hay, ngân hàng này có hơn 8 tỷ đồng nợ xấu của đơn vị trên nhưng đã bán nợ sang cho một đơn vị khác. Hỏi thông tin cụ thể thì vị này từ chối cung cấp.

Để có thể giải quyết trả nợ, ông Ngô Hồng Sơn đề xuất: “UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép công ty được thông hành bán nguyên liệu ra ngoại tỉnh. Từ đó, công ty sẽ chủ động tìm kiếm khách hàng chuyên nghiệp để tiêu thụ sản phẩm lâu dài. Chứ lâu nay, nhiều nhà máy biết công ty không được thông hành bán nguyên liệu nên họ không hợp tác vì sợ vướng mắc, rườm rà”.

Theo Lao động

0913.756.339