Ý tưởng nêu trên được ông Lại Xuân Thanh chia sẻ với VnExpress khi trao đổi về Dự thảo Nghị định Quản lý hoạt động bay đang được xây dựng, đồng thời sau khi nhà khai thác thủy phi cơ đầu tiên của Việt Nam là Hải Âu phải cho nước ngoài thuê phương tiện vì khó khai thác trong nước.
Theo ông Thanh, do bay du lịch là hoạt động mới, và Hải Âu lại là doanh nghiệp “khai sơn phá thạch” nên các thủ tục pháp lý chưa được cụ thể, khai thông là điều có thật.
“Cơ sở pháp lý đã có khi Luật Hàng không dân dụng sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7. Song việc cụ thể hóa thế nào trong các nghị định thì vừa qua Bộ Quốc phòng và Giao thông đã rất tích cực và hai nghị định về quản lý sân bay và hoạt động bay sắp sửa hoàn thành đã đến giai đoạn lấy ý kiến các thành viên Chính phủ”, ông Thanh cho biết.
Vị này dẫn chứng, Thủ tưởng Bộ Tổng tham mưu đã chủ trì một cuộc họp với sự tham gia của Cục Hàng không, Cục Tác chiến để nghị Hải Âu trình bày các khó khăn cũng như góp ý tháo gỡ trong nghị định tới và doanh nghiệp cũng đã đóng góp tích cực, được dự thảo tiếp thu nhiều nhất.
“Ví dụ với vấn đề cấp phép bay, quy định hiện hành thì anh phải nộp trước 7 ngày và xin phép cho từng chuyến một. Nhưng dự thảo nghị định mới đưa ra loại hình cấp phép hoàn toàn khác là theo mùa. Anh cứ đăng bao bao nhiêu chuyến cũng được, chưa xác định thời gian cụ thể. Lúc nào có khách thì anh nộp kế hoạch bay trong ngày mà không phải đợi cả tuần như trước”, ông Thanh khẳng định.
“Đây là phương thức chưa thực hiện với bất cứ loại hình bay nào mà chỉ đến khi có thủy phi cơ mới tính đến”, Cục trưởng nói thêm.
Chia sẻ trước đó về vấn đề này, Tổng giám đốc Hải Âu – Lương Hoài Nam cho rằng thủ tục đăng ký bay nêu trên đang khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi khách có yêu cầu đột xuất. “Thực tế, dù luôn có sẵn máy bay và đơn hàng nhưng công ty đã phải nhiều lần từ chối nhu cầu bay tham quan vịnh Hạ Long với lý do không chủ động được lịch bay, vì còn phụ thuộc vào vấn đề cấp phép”, ông Nam nói.
Đội bay thuỷ phi cơ của Hải Âu trước khi cho nước ngoài thuê lại một chiếc cuối tuần trước. Ảnh: Đ.Anh |
Một khó khăn khác cũng được 2 vị này cùng chia sẻ là việc hãng bay rất khó xin cấp phép tại một địa điểm mới. Theo đó, trong số 8 điểm xin cấp phép, hiện Hải Âu chỉ có thể bay tuyến Hà Nội – Hạ Long và TP HCM – Mũi Né.
Nguyên nhân của việc này, theo ông Nam là do thiếu quy hoạch, phân chia các vùng không phận được kiểm soát và phi kiểm soát; thiếu quy chế bay tầm thấp với cơ chế điều hành hoặc hỗ trợ, tương ứng với thủ tục xin phép bay hoặc thông báo bay.
Trong khi đó, các hoạt động bay thủy phi cơ ở nước ngoài thường không cần xin phép nếu không bay vào vùng kiểm soát mà chỉ cần thủ tục thông báo bay. Còn cách làm hiện nay đang khiến hoạt động hàng không chung bị ghép vào không phận dành cho vận tải hàng không công cộng, trong khi thủy phi cơ có thể bay ở đường hàng không thông thường.
“Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của bay du lịch bằng thủy phi cơ mà các chuyến bay y tế, kiểm lâm, kiểm ngư cũng sẽ gặp nhiều vướng mắc”, văn bản góp ý của Hải Âu phân tích.
Tuy nhiên, ông Lại Xuân Thanh cho rằng, theo quy định, dù bay ngoài đường hàng không thông thường nhưng các chuyến bay của hàng không Hải Âu cũng bắt buộc phải có phương thức kiểm soát từ địa điểm cất, hạ cánh đến hành trình bay, phương thức bay… “Vì trên bầu trời không chỉ có hoạt đông hàng không dân dụng mà còn nhiều hoạt động khác, như hoạt động bay quân sự”, ông lý giải.
Cục trưởng cũng cho biết thêm, kiến nghị của hãng đang được cơ quan quản lý vùng trời là Bộ Quốc phòng xem xét. Và dù có tiếp thu hay chưa thì những ý kiến góp ý, đề xuất của Hải Âu đều được các ban soạn thảo nghị định giải trình lý do.
Chí Hiếu