Tại cuộc họp cho ý kiến về đồ án kiến trúc TP Đà Nẵng cuối tháng 3 vừa qua, đại diện Cảng Đà Nẵng đã gây bất ngờ khi tuyên bố trước lãnh đạo thành phố rằng sẽ từ chối nguồn vốn ODA cho dự án mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn II.
Trước đó, dự án này đã được thành phố đưa vào danh mục đề nghị Trung ương bố trí vốn ODA từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Trao đổi với VnExpress về lý do từ chối vốn ODA cho dự án mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn II có mức đầu tư lên đến 1.200 tỷ đồng, ông Nguyễn Hữu Sia – Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng nói doanh nghiệp tự tin khả năng huy động vốn bên ngoài lẫn vốn tự có.
“Chúng tôi không hẳn là công ty mạnh về tài chính nhưng là đơn vị lành mạnh, cộng với khả năng phát triển khi nhiều năm liền tăng trưởng cao, vì vậy lạc quan về khả năng tự huy động tài chính để dự án hoàn thành đúng tiến độ cam kết”, ông Sia nói.
Từ chối tiết lộ con số cụ thể huy động từ mỗi nguồn, ông Sia cho hay công ty có nhiều đối tác là tổ chức tài chính đã cam kết tài trợ. Bên cạnh đó, một phần lớn sẽ được huy động thông qua sàn chứng khoán. Tỷ lệ còn lại là vốn tự có của doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo này, hơn 10 năm qua, doanh nghiệp đã được ưu đãi ODA lên đến 950 triệu yen và đều sử dụng hiệu quả. “Chúng tôi đã trả gần hết số nợ này. Giờ doanh nghiệp đã chuyển sang công ty đại chúng, tài chính lành mạnh nên thấy có thể tự lực được thì không lý gì cứ dựa vào vốn ưu đãi mãi”, vị Tổng giám đốc nói thêm.
Lãnh đạo Cảng Đà Nẵng cam kết bằng ghế của mình rằng dự án sẽ khởi công và hoàn thành đúng tiến độ dù không cần đến vốn vay ODA |
Lãnh đạo Cục Hàng Hải Việt Nam cho VnExpress biết, báo cáo mới nhất của doanh nghiệp khẳng định họ đã có được những cam kết về việc thu xếp đủ nguồn tiền cho dự án để công trình khởi công đúng kế hoạch vào quý IV năm nay và hoàn thành vào năm 2018.
Đại diện Cục Hàng hải cũng cho biết cơ quan này ủng hộ quyết định không dùng vốn ODA bởi nguồn vay ưu đãi ngày càng khó khăn trong khi có nhiều công trình hạ tầng khác khó hoàn thành bằng nguồn vốn tự huy động.
Thực tế, trong quyết định danh mục dự án huy động vốn xã hội hóa đầu tư vào kết cấu hạ tầng hàng hải mà cơ quan này chủ trỳ soạn thảo và đã được Bộ trưởng Giao thông phê duyệt cuối năm 2014 thì dự án Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 cũng góp mặt. Theo đó, mục tiêu dự án là xây dựng bến trung chuyển quốc tế có công suất 5,5 triệu tấn mỗi năm, có thể đón tàu 50.000 DWT. Nguồn vốn cho dự án sẽ không dùng đến ngân sách.
Trong khi đó, một chuyên gia xây dựng hàng hải cho rằng từ chối ODA là một quyết định “dũng cảm nhưng hợp lý” của doanh nghiệp. “Xét về lãi vay, có thể ODA rẻ hơn vốn từ ngân hàng, nhưng đi kèm đó là các điều kiện như sử dụng thiết kế, tư vấn, giám sát của nước tài trợ vay. Do đó, tổng lại, dự án có thể đắt hơn 1,5-1,8 lần so với khi doanh nghiệp được chủ động”, vị này phân tích.
Cảng Đà Nẵng được cổ phần hóa và chính thức chuyển sang công ty cổ phần từ giữa năm ngoái. Hiện vốn điều lệ doanh nghiệp là 660 tỷ đồng, trong đó Nhà nước (Tổng công ty Hàng hải) vẫn giữ 75%.
Nghị quyết đại hội cổ đông công ty tháng 7/2014 đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay đạt 70 tỷ đồng và chia cổ tức ở mức 7%.
Trung Đức