Le Monde (Pháp) đã điều tra vấn đề của HSBC từ lâu, nhưng đến đầu năm 2014, họ mới sở hữu số dữ liệu của ngân hàng giai đoạn 2005-2007. Trong đó có đầy đủ bằng chứng về một vụ gian lận khổng lồ.
Những tài liệu này có được do bị đánh cắp bởi cựu nhân viên HSBC Private Bank – Hervé Falciani (Pháp). Hervé Falciani ban đầu định bán chúng, nhưng sau đó đã đổi ý và quyết định nộp cho giới chức Pháp. Cuối năm ngoái, anh này đã bị Thụy Sĩ kết tội “gián điệp công nghiệp”, “đánh cắp dữ liệu” và “xâm phạm bí mật ngân hàng”.
Số tài liệu này cung cấp thông tin từ ngày 9/11/2006 đến 31/12/2007. Theo đó, hơn 100 tỷ USD đã được giao dịch thông qua tài khoản của hơn 100.000 khách hàng và 20.000 công ty nước ngoài, thông qua HSBC ở Geneva (Thụy Sĩ).
HSBC bị cáo buộc giúp khách hàng che giấu hơn 100 tỷ USD tài sản. Ảnh: AFP |
Cuối năm 2008, Falciani giao nộp số tài liệu trên cho giới chức thuế tại Pháp. Vụ việc được chuyển lên cơ quan công tố vào tháng 1/2009. Từ đó, họ tập trung điều tra hơn 3.000 công dân Pháp bị nghi giấu tài sản tại HSBC Private Bank, với sự đồng lõa của chính nhà băng này. HSBC từ đó đã bị điều tra vì “các dịch vụ ngân hàng và tài chính bất minh” và “hoạt động rửa tiền trong quá trình trốn thuế”.
HSBC PB được cho là đã giấu 5,7 tỷ euro cho riêng các khách hàng Pháp. Đến nay, giới chức Pháp mới đưa được 72 người ra tòa.
Ngày 28/1/2014, Le Monde công bố loạt bài đầu tiên về hoạt động điều tra tại Pháp với tiêu đề: “Trốn thuế: Cuộc điều tra nhạy cảm về danh sách của HSBC”. Dĩ nhiên báo cáo này chưa phản ảnh được khía cạnh quốc tế của vấn đề.
Vài ngày sau khi những bài báo trên được đăng tải, một người giấu danh tính đã tìm đến tòa soạn Le Monde tại Paris, đưa cho họ một chiếc thẻ nhớ chưa toàn bộ file giới chức thuế Pháp đã trích ra từ danh sách Falciani lấy được.
Danh sách này có rất nhiều kẻ buôn lậu vũ khí, buôn ma túy, tài trợ khủng bố, chính trị gia, người nổi tiếng, vận động viên, các trùm tài phiệt công nghiệp. Phần lớn đều thích giấu tiền ở Thụy Sĩ. Đây là việc làm hoàn toàn phi pháp.
Tài liệu cho thấy HSBC đã liên lạc bất hợp pháp với rất nhiều khách hàng. Họ đều được lãnh đạo cấp cao của HSBC PB khuyến khích giấu tiền thông qua cấu trúc ở Panama hay quần đảo British Virgin.
Cân nhắc tầm quan trọng của vấn đề, đầu năm 2014, Le Monde quyết định chia sẻ tài liệu này với báo chí quốc tế để đảm bảo việc này sẽ được điều tra toàn diện và chính xác. ICIJ (Hiệp hội Phóng viên Điều tra quốc tế) – đối tác của Le Monde trong nhiều chiến dịch điều tra trước, đã được gửi số tài liệu trên. ICIJ thành lập năm 1997, hiện gồm 185 phóng viên điều tra tại 65 quốc gia, chuyên tập trung vào các vấn đề nhưu tội phạm xuyên biên giới, tham nhũng và trách nhiệm của những người nắm quyền lực.
Tổ chức này sau đó đã bí mật huy động 154 phóng viên tại 47 cơ quan truyền thông từ nhiều nước, như Guardian của Anh, Süddeutsche Zeitung của Đức hay CBS của Mỹ. Tháng 9/2014, 40 phóng viên từ khắp nơi trên thế giới đã tới họp bàn tại văn phòng của Le Monde. Một số người chỉ vừa nhận thông báo cách đó vài ngày. Cuộc họp kéo dài 9 giờ và chỉ nghỉ ngơi rất ngắn để ăn uống. Tất cả đều biết đây là một câu chuyện lớn, nhưng những bí mật khám phá ra sau này còn vượt quá sức tưởng tượng của họ.
Trong buổi họp đó, các phóng viên đã lập ra 3 công cụ phục vụ cho việc điều tra. Đầu tiên là một diễn đàn kín để đăng tải các phát hiện của mình. Hai là Blacklight – một cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm theo tên và quốc gia. Cuối cùng là Graph – ứng dụng nhằm hình ảnh hóa liên kết giữa khách hàng và tài sản hoặc công ty ở nước ngoài. Tất cả đều được mã hóa cẩn thận.
Sau đó, mọi người đều bắt tay vào công việc. Le Monde thành lập một nhóm đều tra đặc biệt. 4 phóng viên của Guardian còn dán chi chít trên tường các tờ giấy nhớ, dắp xếp theo các nhóm – chính trị gia, người nổi tiếng, buôn ma túy, hoạt động từ thiện, buôn vũ khí,…
Các phóng viên còn phải cân nhắc thời gian và địa điểm công bố kết quả điều tra. Việc này khá khó khăn do sự khác biệt về múi giờ và giờ lên sóng các chương trình, như 60 Minutes của CBS có giờ cố định là 7h30 tối Chủ Nhật. Bên cạnh đó, họ sẽ phải gọi điện cho bất kỳ người nào được đề cập trong bản tin, dù họ đang ở Paris hay Bamako (Mali), trong các tuần cuối trước hạn chót công bố báo cáo là 10 giờ tối ngày 8/2/2015.
Những phát hiện này đã khiến cả thế giới dậy sóng. Hàng loạt quốc gia như Anh, Bỉ, Pháp, Mỹ đều đã lên kế hoạch kiểm tra hoạt động của HSBC. Nhà băng thừa nhận “phải chịu trách nhiệm về các sai sót trong quá khứ”, sẽ hợp tác với cơ quan chức năng, nhưng cũng nhấn mạnh đã cải tổ nhiều để tránh lặp lại sự việc trên.
Nghiên cứu của ICIJ và tổ chức truyền thông các nước đã đào sâu những góc tối của HSBC hơn cả cuộc điều tra của Mỹ năm 2012. Khi đó, Thượng viện Mỹ kết luận nhà băng này có chính sách kiểm soát thuế lỏng lẻo, khiến các tổ chức ma túy Mỹ Latin lợi dụng để rửa hàng trăm tỷ USD thông qua các chi nhánh tại Mỹ.
Ủy ban Điều tra của Thượng viện Mỹ còn cho biết một số chi nhánh của HSBC đã vi phạm lệnh cấm của Chính phủ, khi vẫn thực hiện giao dịch cho Iran và nhiều nước khác. HSBC Mỹ cũng cung cấp dịch vụ cho các ngân hàng ở Ảrập Xêút và Bangladesh bị nghi tài trợ cho các nhóm khủng bố. Năm 2012, họ đã phải chấp nhận nộp phạt hơn 1,9 tỷ USD cho Mỹ để dàn xếp việc này.
Hà Thu