Thông tin trên được đại diện Bộ Tài chính đưa ra tại cuộc họp báo chuyên đề về thị trường trái phiếu, được tổ chức chiều nay (20/8). Theo cơ quan này, dư nợ toàn thị trường hiện là 860.000 tỷ đồng (khoảng 40 tỷ USD), tương đương khoảng 22% GDP năm 2014. Thị trường này cũng bao gồm cả trái phiếu Chính phủ, do Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và do doanh nghiệp phát hành.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ phó Vụ Tài chính Ngân hàng, bên nắm giữ trái phiếu chủ yếu trên thị trường vẫn là các ngân hàng, dù đã giảm mua trong thời gian gần đây. Tổng lượng nắm giữ của các tổ chức này, đến nay đã đạt khoảng 32 tỷ USD, tương đương 80% dư nợ toàn thị trường. Trong khi đó, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 6/2015, dư nợ tín dụng của các nhà băng đối với nền kinh tế là gần 4,3 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 198 tỷ USD.
Phần trái phiếu còn lại được các nhà đầu tư có tổ chức như công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tiền gửi, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán… nắm giữ. Nhà đầu tư nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam chỉ nắm giữ khoảng 1-2% khối lượng trái phiếu phát hành.
Tính từ đầu năm đến ngày 14/8, tổng khối lượng trái phiếu phát hành ra thị trường xấp xỉ 141.000 tỷ đồng. Trong đó, khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ chiếm gần 88%.
Bộ Tài chính đặt mục tiêu tổng dư nợ thị trường trái phiếu đạt 38% GDP trong năm 2020. Trong đó, dư nợ trái phiếu Chính phủ chiếm 22% GDP, trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh là 8%…
Ngọc Tuyên