Nhiều năm nay, khách mua quen biết vẫn tìm đến góc bán đào quen thuộc của anh Thắng cạnh vườn hoa ven hồ Tây từ khoảng 20 tháng Chạp. Chốc chốc ông chủ này lại đon đả mời chào mỗi khi có khách dừng xe. “Năm nay, thời tiết ấm, đào Nhật Tân, Quảng Bá nở bung hết nên đào rừng lên ngôi, được giá nhưng cạnh tranh cũng gay lắm. Có khi chân khách chưa chạm đất là cả chục người nhào ra mời”, anh chia sẻ.
Nếu so với những người cùng bán tại khu vực này, dãy đào của anh Thắng được đánh giá khá đẹp bởi có thế cây đa dạng, vỏ nhiều mốc đá, nụ và lộc nhú vừa phải. Điều này có được từ kinh nghiệm 17 năm trong nghề của ông chủ người Hà Nội, nhưng sớm bén duyên với đào rừng.
Để có khoảng 100 cành đào bán Tết, anh Thắng (áo xanh) đã phải tất bật cả năm. Ảnh: Trịnh Nguyên |
“Có thể do tính mình xởi lởi nên chưa bao giờ bị ế đào, phải vác về nhà làm củi khô như nhiều nhà khác”, anh chia sẻ. Khách của anh Thắng chủ yếu là người quen lâu năm, một số ít là công ty hoặc cơ quan. Năm nay điều mà anh tiếc nhất là số cành đem từ trên núi về đến nơi bị gãy, dập nhiều quá, trong lúc nhu cầu vẫn tăng cao.
Để có hơn 100 cành đào rừng về Hà Nội, cả năm anh phải liên tục lên xuống một số xã miền núi Điện Biên, Sơn La đặt cọc tiền trước. Thi thoảng 1-2 tháng trong năm lại trở lên để xem cây phát triển thế nào. “Có năm thời tiết khắc nghiệt cây chết, cành lụi thì coi như trắng tay tại núi chứ chưa cần nói gì đến việc đưa xuống xuôi”, anh Thắng cho hay.
Cách đó không xa, anh Linh (nhà tại phố Tô Ngọc Vân) tranh thủ rít vài hơi thuốc sau khi vừa buộc xong một cành cho xe lai chuyển đến địa chỉ trên phố Liễu Giai. Anh Linh cho hay, nghề chơi cây cảnh đã công phu thì nghề buôn đào rừng cũng gian nan không kém.
Chỉ tay vào hơn 20 cây vẫn nguyên dây buộc bó cành đặt ở góc ven đường, anh Linh bảo: “Hàng vừa về đầu sáng nay đấy. Lẽ ra là xuống này sớm hơn nhưng đi đường nhiều chốt chặn lắm, nghe chủ xe nói đợt này từ Sơn La xuống phải qua hơn 10 vị trí”.
Theo anh, năm nay giá đào rừng đang ở thế “thượng” cả giá và thế. Nhưng chỉ một số ít khu vực Hà Nội mới có đào rừng chính hiệu núi cao. Chủ yếu toàn đào của Lạng Sơn, vùng núi thấp chở xuống, vì thế giá rẻ hơn khu vực chợ hoa anh đang bán. Hiện hơn 70 cành của anh Linh đang được rao bán với giá dao động từ 800.000 đến 10 triệu đồng tùy loại dáng to nhỏ..
Anh chia sẻ, nếu tính đủ giá thành của một cành đào gồm: công buộc bó là 30.000 một cây một người tại vườn, nhân công khuân vác, tiền thuê xe vận chuyển… thì giá một cành đào rừng bình quân cùng chỉ từ vài trăm nghìn cho đến đôi ba triệu. “Nhưng đường càng xa thì lộ phí càng tăng, làm đội giá đào”, anh phân trần.Khảo sát của VnExpress dọc đường Lê Văn Lương, không dưới chục điểm bán đào cả đào Nhật Tân và đào phai từ rừng. Vừa tưới cây, mời khách nhiệt tình, Hùng, sinh viên năm 4 Đại học Thương mại cho biết từ năm nhất anh đã gom tiền buôn đào rừng với người chú họ. “Nhà em ở phố Hoàng Hoa Thám không xa đây lắm nhưng chị thấy đó, hơn một tuần tuần bán đào nhìn em có khác gì vô gia cư. Vài mét bạt căng lên, manh chiếu dải nằm đêm đêm canh đào. Tiện thì ăn chút cơm có bữa đông khách còn không kịp ăn, mà vắng khách thì cũng chả muốn cho gì vào bụng”, Hùng bộc bạch.
Hùng cho biết, buôn đào vất vả chọn mua rồi chuyển hàng về Hà Nội là một chuyện nhưng bán được một cành đào cũng cần có tý “duyên”. Khách hàng thì mỗi người một ý, chiều lòng được tất thảy cũng khó. Hùng nhớ lại, năm đầu tiên lơ ngơ đứng bán bị nhiều khách ép giá, nên lãi lời chẳng được bao nhiêu. Nhưng những năm sau thì khác, chàng thanh niên 22 tuổi này nói: “Ai đến em cũng dò hỏi xem năm mới họ mong ước điều gì cho bản thân và gia đình. Từ đó mà em hướng cách tư vấn dáng, thế đào vào điều họ ước nguyện, hàng vì thế bán cũng nhanh hơn”, Hùng mật mí “kinh nghiệm” sau 4 năm buôn đào.
Phấn khởi Hùng cũng vội khoe thêm: “Vừa rồi có một chú làm ở cơ quan nhà nước đến mua một cành giá 1,5 triệu đồng. Mua xong chú ấy nói, năm ngoái có mua đào chỗ em bán, đúng ý nguyện được thăng chức nên chú bảo sẽ khách hàng dài dài”.
Do đào của Hùng chủ yếu đều là cành nhỏ, vừa phải phù hợp với khách cá nhân nên với khoảng 30 cành đào còn lại, chàng sinh viên này dự tính sẽ hết hàng vào ngày 29 Âm lịch nếu cứ theo đà bán của 3 ngày vừa qua (mỗi ngày Hùng bán được gần 10 cành).
“Ăn Tết xong khoảng Rằm em và một số nhóm người buôn đào tại Hà Nội sẽ lên Sơn La, Điện Biên, Lai Châu để chọn gốc, đánh dấu trước và giao tiền cọc lẫn tiền công nhờ dân địa phương chăm sóc. Không lên sớm là hết đào đẹp cho Tết năm sau vì giới buôn đào cả nước cũng tìm đến”, Hùng cho biết.
Trịnh Nguyên