Guy Spier là giám đốc quỹ đầu tư Aquamarine Fund và là tác giả cuốn sách “Sự giáo dục từ một nhà đầu tư giá trị: Cuộc tìm kiếm Của cải, Trí tuệ và Sự khai sáng của tôi”. Trên Observer, ông đã chia sẻ sự thay đổi trong cuộc sống và sự nghiệp sau khi biết đến tỷ phú đầu tư Warren Buffett.
Lần đầu tiên tôi gặp Warren Buffett ngoài đời là năm 1991, khi còn là sinh viên MBA (Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) tại Trường Kinh doanh Harvard. Lúc đó, tôi là một cậu thanh niên 25 tuổi, hiếu chiến và chỉ nghe bản thân. Lý do duy nhất tôi tham gia buổi học hôm đó là vì thích một bạn gái khóa trên. Và tôi muốn hỏi cô ấy tại sao lại bỏ rơi tôi để đi hẹn hò với người khác.
Buổi giảng hôm đó là về chứng khoán. Trước khi vào Harvard, tôi đã học kinh tế tại Oxford và thấm nhuần quan điểm truyền thống rằng chứng khoán là một thị trường hiệu quả. Vì thế, với tôi, những người chọn lọc cổ phiếu như Buffett chỉ là kẻ may mắn. Và buổi học đó trôi qua mà chẳng đọng lại chút gì trong đầu tôi cả.
Warren Buffett (trái) và Guy Spier (phải). Ảnh: Guy Spier |
Sau khi tốt nghiệp Harvard, tôi trở thành nhân viên tại một ngân hàng đầu tư, hy vọng sẽ kiếm được kha khá tiền từ công việc đầu tay. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, tôi nhận ra sự thật phũ phàng là tại Wall Street, để thành công, bạn cần phải tô hồng sự thật (tức là nói dối) để bán các dịch vụ đầu tư sơ sài cho các khách hàng nhẹ dạ.
Khi đã quá thất vọng, tôi lại đọc được tiểu sử về Warren Buffett của Roger Lowenstein. Lúc đó, tôi mới biết rằng vẫn còn cách khác để kinh doanh. Buffett vẫn trở thành tỷ phú dù chỉ nói sự thật và hành động rất đáng kính.
Sau đó, tôi nghỉ việc và mở một quỹ đầu tư theo mô hình Buffett đã làm hồi thập niên 60. Bắt chước phương pháp của ông, tôi đầu tư vào một nhóm công ty chất lượng có giá rẻ, rồi giữ cổ phiếu trong nhiều năm, bỏ qua biến động ngắn hạn. Một trong những cổ phiếu chủ chốt của tôi là Berkshire Hathaway – công ty của chính Buffett. Tôi đã giữ chúng 17 năm rồi.
Là người quản lý tài sản, tôi thường tự hỏi bản thân: “Nếu là Buffett, ông ấy sẽ làm gì nhỉ?”. Theo tấm gương của ông, tôi luôn cố gắng đối xử thật công bằng với các cổ đông. Vì thế, tôi lấy phí rất thấp và đầu tư cả tiền tiết kiệm vào quỹ của mình nữa, để cùng kiếm tiền với khách hàng của mình.
Buffett là một hình mẫu xuất sắc với tôi. Khi tham dự đại hội cổ đông của Berkshire tại Omaha, tôi đã rất ấn tượng với sự cởi mở và trung thực của ông với cổ đông. Thậm chí, ông còn nói cổ phiếu hạng B vừa phát hành của Berkshire không hề rẻ và ông sẽ không mua chúng ở giá này.
Vì thế, năm 2008, tôi và người bạn Mohnish Pabrai góp tiền trả 650.100 USD trong một buổi đấu giá từ thiện, để được ăn trưa với Buffett. Chúng tôi đã có 3 giờ trò chuyện với ông ở nhà hàng Smith & Wollensky (Manhattan, Mỹ). Chúng tôi còn đưa vợ con đến nữa. Buffett đúng là người thông minh nhất tôi từng gặp. Trí tuệ của ông hoạt động tại nhiều cấp độ trong cùng một thời điểm. Nó khiến tôi nhớ lại một cao thủ cờ vua có thể tính trước hàng chục nước.
Ông ấy còn rất dễ chịu và thoải mái nữa. Khi tôi gọi ông là “Ngài Buffett”, ông đã ra hiệu dừng lại và đề nghị tôi chỉ gọi là “Warren” thôi. Bữa ăn của ông cũng chỉ có bò bít tết, khoai tây bào chiên giòn và Cherry Coke. Ông hào hứng nói với hai cô con gái của Mohnish rằng hồi 5 tuổi, ông chẳng ăn đồ gì mình không thích cả.
Điều đáng nhớ nhất mà Warren chia sẻ hôm ấy là về nhu cầu sống theo “tiêu chuẩn của bản thân”, thay vì lo lắng người khác nghĩ gì về mình. Ông giải thích bằng câu hỏi: “Liệu anh thích được coi là người bạn trai tuyệt vời nhất thế giới, nhưng tự bản thân biết mình tệ nhất, hay thích tự biết mình tốt nhất, nhưng bị coi là tệ nhất?”.
Rõ ràng ông ấy điều hành mọi thứ theo suy nghĩ của bản thân, sống và đầu tư theo cách phù hợp với tính cách và những giá trị mình tôn trọng. Với tôi, đây là bài học tuyệt vời nhất. Ông ấy khiến tôi nhận thức rõ ràng về giá trị và ưu tiên của bản thân, cũng như về tầm quan trọng của việc theo đuổi chúng. Với trí tuệ của Buffett, tôi chẳng có cơ hội nào đánh bại ông ấy. Nhưng ít nhất thì tôi cũng có thể làm tốt hơn công việc của mình.
Hà Thu