Mỗi dịp hè, như nhiều bạn trẻ khác, Quân và nhóm bạn lại tìm một quán cà phê để lên kế hoạch sẽ đi đâu, chơi gì trong một tháng rảnh rỗi. Dã ngoại, bơi, đá bóng, xem phim… dường như đã trở nên nhàm chán nên nhóm muốn tìm một điều mới lạ để trải nghiệm trước khi bước vào kỳ học cam go. Escape Room – trò chơi có xuất xứ từ Malaysia, du nhập vào Việt Nam năm 2014 đã lập tức thu hút những bạn trẻ vốn thích những điều mới lạ như Quân.
Hóa thân vào Escape Room, một đội chơi gồm 4 – 8 người sẽ khoảng 60 phút để giải các câu đố, mật mã trong từng căn phòng nhằm thoát ra ngoài. Mỗi phòng sẽ có một chủ đề, từ Pharaoh, Vượt ngục, Lăng mộ, Ma cà rồng…, bối cảnh đều được mô phỏng như thật và tự động hóa. “Phòng chơi đẹp, không gian lại như thật và quan trọng là dành cho một nhóm đông cùng chơi nên bọn em quyết định thử”, Quân háo hức.
Escape Room thu hút giới giới trẻ vì hình thức mới lạ. |
Cách đây gần một năm, tại Hà Nội, Escape Room chỉ có một phòng chơi ở Trần Phú, nhưng nay đã phát triển lên hơn chục địa điểm. Ban đầu, các phòng chơi này được phát triển theo hình thức franchise (nhượng quyền thương hiệu) từ nước ngoài, nhưng về sau các nhóm đã tự xây dựng sản phẩm.
Chia sẻ với VnExpress, Tuấn Anh (sinh năm 1983) – đại diện Locked, một trong nhưng đơn vị đầu tiên mang Escape Room tới Việt Nam vào đầu tháng 10/2014 cho biết khi thấy sức hấp dẫn của thị trường giải trí dành cho giới trẻ, anh quyết định thử sức, dù đã có công việc ổn định tại một cơ quan về năng lượng.
“Thời điểm đó, mình thấy ở Hà Nội chưa ai phát triển loại hình này, tuy tiềm ẩn rủi ro là thị trường sẽ không chấp nhận nhưng nhận thấy giới trẻ Việt Nam còn quá thiếu các mô hình giải trí tăng cường hoạt động nhóm, hầu hết là chơi game online hoặc đi trà chanh, cà phê… Do vậy, một hình thức giải trí lành mạnh và mới mẻ rất tiềm năng tại Việt Nam”, Tuấn Anh nói.
Một phòng chơi khác, We Escape lại được phát triển bởi những cá nhân đang có việc làm ổn định và đa phần đều nước ngoài. Vương Nhân (sinh năm 1989) – nhân viên kế toán ở Singapore cho hay khi được tiếp cận với trò chơi, nhóm 4 người đều rất đam mê nên quyết định mở một phòng chơi ở trong nước bằng tiền tự tiết kiệm.
“Escape Room là một ý tưởng khởi nghiệp hoàn hảo với cả 4 thành viên vì sự mới mẻ, mang tính giáo dục cao và chưa xuất hiện ở Việt Nam. Lúc We Escape ra đời vào tháng 1/2015, thị trường còn rất mới và sức cạnh tranh hầu như không đáng kể”, Nhân chia sẻ.
Bước khởi đầu của những ông chủ 8x với trò chơi mới lạ này cũng gặp không ít gian nan. Theo Nhân, quá trình mở phòng chơi từ lúc có ý tưởng đến lúc khai trương kéo dài 6 tháng, bao gồm nhiều bước như tìm hiểu thị trường (làm khảo sát offline-online), phát triển sản phẩm, lên kế hoạch kinh doanh, marketing, tìm địa điểm, tìm nhà thầu, xây dựng và thử nghiệm, tuyển dụng. Trong đó, bước lên kế hoạch chiếm nhiều thời gian nhất vì thị trường còn quá mới, tìm địa điểm là khó nhất và phát triển sản phẩm là mạo hiểm nhất.
Hình ảnh một phòng chơi Escape Game được mô phỏng theo các chủ đề. |
Với Tuấn Anh, trước khi làm mô hình này tại Việt Nam, anh đã phải đi các nước nơi mô hình này đã phát triển để học tập kinh nghiệm. Sau đó, nhóm tự lên kế hoạch. “Quá trình tìm địa điểm tương đối khó. Với hệ thống tự động hóa cao đòi hỏi mặt bằng khắt khe, phải đảm bảo được kết cấu chắc, rộng, trần cao mới lắp đặt được thiết bị. Với 3 game của Locked cần tới 180m2 để xây dựng. Đây là diện tích có thể xây dựng được 5 game thông thường”, Tuấn Anh cho hay.
Số tiền đầu tư cho các phòng chơi với những thiết bị tự động hóa, hệ thống âm thanh, cảnh báo cấp như động đất, cháy nổ, hỏa hoạn, mất điện… cũng lên đến cả tỷ đồng. Như Locked, riêng phần đầu tư thiết bị cơ quan, cửa tự động… có mức đầu tư trên 30.000 USD (hơn 600 triệu đồng) một chủ đề. Với các cơ sở mua franchise từ nước ngoài, số tiền có thể dao động từ 1-3 tỷ đồng.
Hiện giá vé của Escape Room khoảng 100.000 – 200.000 đồng một người mỗi lần chơi, và với sức hút hiện tại, nhiều chủ phòng chơi đang sống khá khỏe với doanh thu có thể lên tới 7 – 8 triệu đồng một ngày.
Tuy vậy, sau gần một năm phát triển, chính những người trong cuộc nhận định sức cạnh tranh của thị trường ngày càng lớn. “Thị trường nào cũng có cạnh tranh, kể cả một thị trường non trẻ như Escape Room”, Vương Nhân cho biết. Điều này khiến những người kinh doanh phải tính tới các đối sách để giải quyết. Đầu tư các trò chơi, trang thiết bị thu hút là những cách làm đầu tiên để những phòng chơi hút khách hàng và duy trì hoạt động. Khoảng 6 tháng, các chủ phòng phải nghĩ ra một chủ đề mới hơn, chất lượng hơn để người chơi không bị nhàm chán và có những trải nghiệm ngày càng “đã”.
Ngoài ra, để giải quyết vấn đề cạnh tranh về giá, hoặc cạnh tranh không lành mạnh, một Hội phát triển Escape Room Việt Nam đã được thành lập với sự tham gia của hầu hết các thương hiệu ở Hà Nội. Hội sẽ họp hằng tháng để tư vấn cho các thành viên những sản phẩm có chất lượng.
Nhận định về sự phát triển của lĩnh vực này, Tuấn Anh cho rằng đây hoàn toàn là một trào lưu kinh doanh, các Escape Room sau này đều có sáng lập viên là khách chơi có hứng thú và tự xây dựng. “Càng nhiều nhà đầu tư thì phong trào càng mạnh, sức sống của trào lưu càng mạnh mẽ”, anh bày tỏ.
Trong khi đó, với Vương Nhân, việc tự kinh doanh là điều đáng khuyến khích đối với giới trẻ, tuy nhiên nhóm cũng khuyến nghị trước khi làm, các chủ phòng chơi phải ra được kế hoạch kỹ lưỡng cả về thực lực lẫn kinh tế và có tầm nhìn 2-3 năm thị trường như thế nào để có phương án giải quyết.
“Các bạn trẻ nên tự lượng sức mình để tránh những sai lầm đáng tiếc”, đại diện We Escape nêu. “Thị trường vẫn đang lớn mạnh và không có dấu hiệu dừng trong vòng 2-3 năm tới. We Escape cũng đã chuẩn bị sẵn các kế hoạch để luôn hâm nóng thị trường và tiếp tục phát triển”, Nhân khẳng định.
Huyền Thư