Biểu tình tại Hong Kong gây tổn thất cho kinh tế toàn cầu

Cuộc biểu tình đòi dân chủ đang diễn ra tại Hong Kong (Trung Quốc) được cho là dữ dội nhất suốt gần 2 thập kỷ qua. Các hãng đánh giá tín nhiệm như Fitch hay Standard & Poor’s đều cho biết xếp hạng tín nhiệm của Hong Kong sẽ không bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các hoạt động thương mại tại đây chậm lại sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến rất nhiều lĩnh vực trên toàn cầu, từ bảo hiểm đến ngân hàng, đóng tàu và cả đồng NDT của Trung Quốc.

Hong Kong hiện là trung tâm tài chính, thương mại, bảo hiểm lớn của thế giới, nhờ vị thế là cửa ngõ vào Trung Quốc. Giá trị các mặt hàng được giao dịch qua đặc khu hành chính này lên tới 977 tỷ USD năm ngoái, chiếm 5,2% toàn cầu.

Đặc khu này cũng liên tục được xếp hạng là trung tâm tài chính quan trọng thứ 3 thế giới, sau London và New York. Thành phố này đang ngày càng thu hẹp khoảng cách với các đối thủ phương Tây, nhờ môi trường kinh doanh dễ dàng, luật thuế ưu đãi và lực lượng lao động nhiều nhân tài.

hong-kong-1-6424-1412151492.jpg

Một chi nhánh của CitiBank ở Hong Kong đã phải đóng cửa vì người biểu tình. Ảnh: The Daily Star

Hong Kong cũng là cánh cửa chính cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc. Năm noái, Trung Quốc thu hút 124 tỷ USD vốn FDI, khoảng một nửa số đó có thể là qua Hong Kong.

Hong Kong hiện có hơn 3.700 văn phòng của các công ty trên thế giới. Hơn 80% số đó là cho các công ty đang hoạt động tại Trung Quốc, theo tổ chức luật sư American Bar Association. Chính quyền Hong Kong cũng ước tính khoảng 60% vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc là qua hoặc vào thành phố này.

Vai trò cửa ngõ của Hong Kong được phản ánh rất rõ qua quy mô khổng lồ của ngành ngân hàng, với số tài sản trị giá gấp 8 lần GDP. Nửa đầu năm nay, các ngân hàng đầu tư đã thu được 502 triệu USD phí dịch vụ tại thành phố này, theo Thomson Reuters. Con số này gấp đôi so với Singapore, Hàn Quốc hay Malaysia.

Hong Kong cũng là trung tâm giao dịch ngoại hối lớn thứ 5 thế giới và là trung tâm giao dịch NDT lớn nhất toàn cầu. Theo tổ chức thanh toán toàn cầu Swift, khoảng 72% các giao dịch bằng đồng NDT ở nước ngoài là diễn ra tại Hong Kong.

Thành phố này cũng là điểm đến phổ biến cho các thương vụ IPO trên thế giới và là thị trường chứng khoán có số vốn huy động được lớn nhất toàn cầu trong thập kỷ qua, chủ yếu nhờ các công ty Trung Quốc.

Hong Kong cũng nằm trong top 10 điểm đến lớn nhất của ngành bảo hiểm, theo lượng phí bảo hiểm thu được trên đầu người. Năm ngoái, các công ty đã thu được hơn 36 tỷ USD phí bảo hiểm tại thành phố này, tăng hơn 10% so với năm ngoái, theo số liệu của hãng bảo hiểm Swiss Re.

Hong Kong còn là một trong 5 cảng hàng hóa lớn nhất thế giới với khối lượng hàng mỗi năm gấp 3 cảng lớn nhất Mỹ – Los Angeles. Phần lớn hàng chuyển qua Hong Kong là nguyên liệu thô xuất vào Trung Quốc, hoặc hàng hóa hoàn chỉnh từ Trung Quốc xuất đi.

Tuy nhiên, vì cuộc biểu tình những ngày gần đây, chứng khoán Hong Kong đã liên tục lao dốc và xuống thấp nhất 3 tháng hôm qua. Cơ quan quản lý Tiền tệ Hong Kong cho biết 29 chi nhánh ngân hàng, văn phòng và ATM của 17 nhà băng đã phải đóng cửa tạm thời.

Các hãng bán lẻ và công ty du lịch sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất từ cuộc biểu tình, đặc biệt khi kỳ nghỉ Quốc Khánh dài của Trung Quốc bắt đầu từ hôm nay. Vì vậy, doanh nghiệp tại thành phố này đều đang hy vọng cuộc biểu tình sớm chấm dứt để hoạt động của họ quay trở lại bình thường.

“Nếu tình hình nghiêm trọng hơn, nó sẽ có ảnh hưởng liên hoàn lên khắp ngành dịch vụ tại Hong Kong. Từ các hãng du lịch, nhà hàng, hãng bán lẻ, tất cả các doanh nghiệp đều sẽ bị tác động”, Dennis Chan – Giám đốc công ty du lịch Uni Travel cho biết trên Wall Street Journal.

Hà Thu

0913.756.339