Nơi đây là giao điểm giữa hai trục đường chính Kaba Aye Pagoda và No1 Industry, tập trung hầu hết các đại sứ quán, biệt thự từ thời thuộc địa của Anh. Trục đường Kabaraye Pagoda xuyên suốt Yangon, đi qua viện bảo tàng đá quý và Ngân hàng Trung ương Myanmar.
Nhiều công trình cao tầng đang đua nhau mọc lên ở đây, trong đó nổi bật vẫn là tòa phức hợp của chủ đầu tư Việt Nam – Hoàng Anh Gia Lai. Bên kia hồ Inya, công trình có quy mô không kém là tòa cao tầng GEMS. Tại đó, nhìn từ xa đã có thể thấy nhiều cần cẩu mang logo của Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình hoạt động không ngừng trên đỉnh cao nhất của nóc tòa nhà đang vào giai đoạn hoàn thiện.
Không đồ sộ như hai công trình kia, nhưng khách sạn sang trọng Novotel gần đó cũng gây chú ý không kém nhờ vị trí đẹp. Cùng với bảng hiệu của chủ đầu tư, thương hiệu AA, đơn vị thiết kế, thi công nội thất có tiếng ở Việt Nam cũng khá nổi bật.
Nyein Chan Aung, một kỹ sư xây dựng người Myanmar nói: “Sau cái tên Hoàng Anh Gia Lai đã khá quen thuộc với người dân Yangon, thì giờ đây tên tuổi các nhà thầu xây dựng đến từ Việt Nam cũng không còn xa lạ”. Theo kỹ sư này, 3 dự án xây dựng thuộc hàng lớn nhất tại đây đều có sự tham gia của các nhà thầu Việt Nam như Hòa Bình, AA, Quân Đạt…
Nhiều công trình ở Myanmar xuống cấp trầm trọng đang trở thành mục tiêu hấp dẫn của các nhà thầu xây dựng Việt Nam. Ảnh: Lâm Thao. |
Xác định thị trường Myanmar đang ngày càng trở nên quan trọng, đầu tháng 3 này, đích thân Chủ tịch Hòa Bình – Lê Viết Hải đã dẫn đoàn lãnh đạo cấp cao của công ty sang tham dự lễ cất nóc dự án chung cư GEMS ở thủ đô Yangon sau 19 tháng thi công. Đây là dự án do Tập đoàn Capital Development Limited (CDL) của Myanmar làm chủ đầu tư, có quy mô 4 tòa nhà cao 21 tầng, một tòa nhà giữ xe cao 5 tầng.
GEMS là dự án đầu tiên mà một nhà thầu xây dựng Việt Nam cung cấp dịch vụ quản lý thi công ở nước này. Ông Hải cho biết, khi Myanmar chính thức mở cửa, Hòa Bình cũng đã lên kế hoạch thăm dò, nhưng do thị trường khá mới nên việc tiếp cận rất khó. Năm 2013, qua sự giới thiệu của RSP, một doanh nghiệp Singapore vốn là nhà thiết kế cho dự án GEMS, Hòa Bình đã kết nối được với CDL. Sau khi tham quan các dự án do Hòa Bình thi công ở Việt Nam, CDL đã ký hợp đồng cho hạng mục quản lý xây dựng.
Theo ông Hải, việc tham gia vai trò quản lý dự án không chỉ giúp Hòa Bình khuếch trương được thương hiệu ở thị trường khu vực mà còn mang lại hiệu quả kinh doanh khá tốt. “Chỉ với 20 kỹ sư, nhưng năm 2014, doanh thu mà họ mang về cho công ty hơn một triệu USD”, ông Hải tiết lộ.
Nếu GEMS là dự án đầu tiên của Hòa Bình tại Myanmar, thì Công ty cổ phần thiết kế AA đã nhận hơn chục dự án chuyên về thiết kế, thi công nội thất và cung cấp vật liệu. Trong số đó phải kể đến những dự án đình đám như trúng thầu hoàn thiện nội thất và cung cấp đồ gỗ cho khu vực công cộng của khách sạn năm sao Novotel Yangon gồm 366 phòng, biệt thự trên cao, các phòng đặc biệt…; hoàn thành dự án căn hộ cao cấp Shangri La, khách sạn M Gallery Nay Pyi Taw, khách sạn Inle Sanctum Hotel, tàu du lịch Ayravata Cruises Boutique Hotel…
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch AA cho biết, việc thi công lắp đặt các công trình này được thực hiện bởi Công ty AA Interiors Myanmar Ltd, công ty con có 100% vốn sở hữu của AA thành lập năm 2013 tại Myanmar.
“Lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn tại Myanmar sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới, mở ra cơ hội cho chúng tôi ở đây”, ông Khanh nhận định.
Dự án đầu tiên tại Myanmar đem về một triệu USD cho Hòa Bình. Ảnh: Lâm Thao |
Giám đốc CDL, ông Tin Maung Win cho biết trong vài năm trở lại đây, tại Yangon liên tục bùng nổ xây dựng, nhưng tốc độ hiện đã giảm xuống vì giá đất tăng quá cao. Tuy nhiên, ông khẳng định thị trường sẽ nhanh chóng sôi động trở lại vì nhu cầu nhà ở, văn phòng hiện vẫn rất cao.
“Giá bán căn hộ tại GEMS là 2.000 – 4.000 USD, hiện chúng tôi đã bán hết 86%”, giám đốc CDL nói.
Trao đổi với VnExpress, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai – Đoàn Nguyên Đức cho biết, hiện giai đoạn một của dự án khu phức hợp tại Yangon do Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư đã bước vào công đoạn chuẩn bị cất nóc. Theo kế hoạch, tháng 6/2015 giai đoạn một của dự án sẽ được đưa vào hoạt động.
Ông Đức tiết lộ, đến quý I/2015, khối trung tâm thương mại của dự án đã kín chỗ đăng ký thuê. Riêng tháp văn phòng, doanh nghiệp đang tiến hành cho thuê nên chưa công bố tỷ lệ khách hàng.
Người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam đánh giá, đến cuối quý I/2015 thị trường bất động sản Myanmar, đặc biệt là tại Yangon vẫn đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung. Giá văn phòng cho thuê trung bình 62 USD mỗi m2 một tháng, trung tâm thương mại trung bình 45-50 USD mỗi m2 và vẫn trong xu hướng tiếp tục nhích lên do khan hàng.
Ông Đức cho biết thêm, riêng thị trường căn hộ tại Yangon còn nóng và sôi sục hơn cả văn phòng và trung tâm thương mại. Hiện, giá căn hộ tại đây có mức trung bình 3.000-4.000 USD mỗi m2 và cũng thiếu hụt nguồn cung.
Lâm Thao – Vũ Lê