Bánh mì chả cá 10.000 đồng đua nhau xuống phố

Dù chỉ mới xuất hiện thời gian ngắn, nhưng bánh mì chả cá hiện đã có hàng chục thương hiệu như: Má Nam, Má Tâm, Má Hải, Hảo Hảo, chả cá Vũng Tàu…

Một đặc điểm dễ nhận biết của mô hình này là hầu hết đều kinh doanh theo kiểu tiện lợi. Mỗi điểm là một xe đẩy có đầy đủ dụng cụ được tổ chức khoảng bốn, năm nhân viên cùng bán một lúc. Giá một ổ bánh mì kẹp chả cá nóng khá rẻ, chỉ 10.000 đồng. Mỗi thương hiệu sẽ chọn cho mình đồng phục riêng, thông thường là chọn màu nổi như vàng cam, đỏ, tím…

Trong số các thương hiệu trên, bánh mì Má Hải hiện nổi trội hơn nhờ số lượng điểm bán và cách bố trí nhân sự. Quản lý một xe bánh mì trên đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7 cho biết, để làm xong những chiếc bánh với tốc độ chỉ 10 giây một chiếc, mỗi điểm được tổ chức khoảng bốn, năm nhân viên cùng bán một lúc, một người chào khách, mời người đi đường, một giao bánh, những người còn lại tập trung chuyên môn tối đa. Hầu như các nhân viên này đều hoạt động hết công suất. Có thời điểm khách đông, mỗi xe có thể bán tới gần 500 ổ một ngày.

“Trước đây chủ thương hiệu chỉ cho một xe hoạt động, nhưng vì sản phẩm bán khá chạy nên đã huy động thêm xe đẩy đặt ở gần cuối con đường”, nhân viên của thương hiệu này trên đường Trần Xuân Soạn, Q.7 nói và cho biết cũng vì thấy khách đông, nhiều xe đẩy bán bánh mì thịt xung quanh đã nhanh chóng chuyển sang bán luôn bánh mì chả cá.

banh-mi-cha-ca-gia-re-dua-nhau-xuong-pho

Một xe bánh mì trung bình có 4-5 nhân viên phục vụ. Ảnh: Hồng Châu.

Trao đổi với VnExpress, Hồ Đức Hải, chủ thương hiệu bánh mì chả cá Má Hải cho biết, bắt đầu bán sản phẩm ra thị trường từ tháng 10/2013 và tới nay đã có 70 xe đẩy trên khắp các tuyến đường TP HCM.

“Thời gian gần đây thị trường cạnh tranh khốc liệt khi khá nhiều đơn vị ồ ạt bán sản phẩm này. Do vậy, để có được chỗ đứng, sản phẩm luôn phải được cải thiện và tạo đặc trưng riêng. Chúng tôi tự sản xuất nguyên liệu, đặc biệt khâu phục vụ của nhân viên phải luôn thân thiện để giữ chân khách. Trung bình mỗi ngày toàn hệ thống bán được vài tạ chả cá”, Hải nói.

Cũng có số lượng xe đẩy bán chả cá dày đặc, tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), ban đầu chỉ có một xe “bánh mì chả cá thu nóng”, nhưng chỉ hơn tuần sau số lượng đã tăng lên 4 chiếc.

Ông Thanh, chủ một xe đẩy nhỏ bán chả cá trên đường này cho biết trước đây chuyên bán bánh mì thịt, nhưng từ khi thấy các xe bánh mì chả cá nở rộ lại rất  hút khách, ông đã nhanh chóng chuyển sang bán loại này.

“Bánh mì chả cá khá dễ bán, công đoạn làm cũng không mất nhiều công mà khách được dùng sản phẩm nóng, lại lạ miệng. Mặt khác, thời gian gần đây thông tin thịt heo có chất tạo nạc gây hoang mang cho người tiêu dùng nên nhiều người thích ăn bánh mì thịt đã chuyển sang chả cá”, ôngThanh chia sẻ, đồng thời cho hay, sản phẩm chả cá bảo quản được lâu nên dù có bán cả ngày cũng không sợ bị hỏng. Tuy nhiên, bình thường chỉ bán tới gần trưa là xe của ông đã hết hàng. Trung bình một buổi sáng ông bán được tới 40-50 ổ. Riêng vốn để bán mặt hàng này cũng khá thấp. Với chiếc xe đẩy đơn giản, cộng với dụng cụ chiên chả cá, chi phí chỉ tầm 2 triệu đồng. Còn nếu đầu tư bài bản hơn một chút thì từ 4-5 triệu đồng.

Theo các chủ xe đẩy, chả cá được đặt hàng trực tiếp từ các tỉnh đưa về TP HCM hàng ngày. Bên cạnh chả cả nóng hổi thì nước sốt là gia vị mỗi nơi chế biến một kiểu khác nhau để hút khách.

Chị Hoa, người chuyên bán chả cá ở chợ Văn Thánh (Bình Thạnh) cho biết, chả cá dễ ăn, bán lại có lời, nên nhiều người bán bánh mì đã nhanh chóng đổ xô sang kinh doanh mặt hàng này. Thế nhưng, để có được lãi cao, một số chủ xe đẩy mua chả cá giá rẻ không đảm bảo chất lượng, trộn thêm nhiều bột để bán, nên khi mua khách hàng cần thận trọng. Tránh ăn những sản phẩm có mùi vị khác thường và màu chả quá đậm.

Hồng Châu

0913.756.339