ADB: Kinh tế châu Á tăng trưởng ổn định

Mức này tương đương năm 2014, nhưng chậm hơn trung bình giai đoạn 2009-2013 với 6,7%. Dù vậy, sự trỗi dậy của Ấn Độ, giá hàng hóa rẻ đi và nhu cầu hồi sinh tại châu Âu sẽ hỗ trợ các nước đang phát triển tại đây (gồm 45 quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương).

Ấn Độ sẽ dẫn đầu đà tăng trưởng trong khu vực khi kinh tế Trung Quốc dần chậm lại, nhờ các nỗ lực cải tổ cấu trúc của Chính phủ Ấn Độ. Nhu cầu cao từ Mỹ và eurozone sẽ hỗ trợ xuất khẩu.

ADB dự báo Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7,8% trong tài khoá 2015 (bắt đầu từ tháng 4 này) và 8,2% năm tới. Nước này có thể sẽ nới lỏng tiền tệ và tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng.

hong-kong-8667-1427192119.jpg

Các tòa nhà chọc trời tại Hong Kong (Trung Quốc). Ảnh: CNN

Trong khi đó, Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7,2% năm nay và 7% năm 2016. Từ khi cuộc khủng hoảng 2008 diễn ra, tăng trưởng trung bình của nước này là 8,5%. Trung Quốc đã hạ triển vọng tăng GDP năm nay xuống 7%, bám theo cam kết tăng trưởng chậm và bền vững của giới chức nước này.

ADB cho biết rủi ro trong khu vực có thể xảy ra nếu Trung Quốc thất bại trong chiến lược cải cách kinh tế, cải tổ kém cương quyết tại Ấn Độ, ảnh hưởng từ khủng hoảng nợ Hy Lạp và Nga suy thoái mạnh hơn. Khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất năm nay cũng có thể châm ngòi cho làn sóng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi.

Lạm phát tại các nước đang phát triển châu Á được dự báo chậm lại, còn 2,6% năm nay, từ 3,1% năm ngoái, do giá dầu rẻ. “Khi giá dầu cả thế giới phục hồi nhẹ, lạm phát sẽ lên 3% năm 2016”, ADB cho biết.

Cơ quan này cũng nhận xét giá hàng hóa đi xuống đã giúp các nước đang phát triển ở châu Á tăng thặng dư vãng lai năm nay lên 2,5% GDP. Khi giá dầu được dự báo hồi phục, số liệu này sẽ về 2,3% GDP năm 2016.

Hà Thu

0913.756.339