Ông Noritaka Akamatsu, Cố vấn cao cấp của Vụ Phát triển Bền vững và Biến đổi khí hậu thuộc ADB, đơn vị soạn thảo báo cáo cho hay châu Á có hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng chỉ một số ít trong số họ có thể phát triển đến một mức độ có thể tạo ra đổi mới hoặc một phần của chuỗi giá trị toàn cầu. Để làm được điều đó, họ cần thêm vốn phát triển và thêm cơ hội tiếp cận với các kênh hỗ trợ tài chính khác nhau.
Tính đến cuối năm 2013, Việt Nam có tổng cộng 359.794 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), chiếm 96% tổng số các doanh nghiệp trong cả nước. Hầu hết các doanh nghiệp đều thuộc sở hữu tư nhân (97%) trong khi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 2,7% và số còn lại là thuộc sở hữu nhà nước.
Bán buôn và bán lẻ chiếm tỷ lệ 40% tổng số các doanh nghiệp MSMEs đang hoạt động, tiếp sau đó là ngành dịch vụ và công nghiệp chế tạo. Khoảng 5,1 triệu lao động được các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tuyển dụng, chiếm 47% lực lượng lao động của Việt Nam, báo cáo này cho biết.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung đang thiếu sức cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. |
Hội nhập khu vực và tự do hóa thương mại có nghĩa các doanh nghiệp cần phải chuyển từ việc chú trọng thị trường trong nước sang việc chú trọng hơn đến các mục tiêu toàn cầu. Điều này vừa đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ khai phá các thị trường nước ngoài, vừa đặt họ trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng.
Theo ADB, các chính phủ trong khu vực cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trở nên cạnh tranh hơn và có thể tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong số các hỗ trợ đó có việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận dễ hơn với các hỗ trợ tài chính mới, chẳng hạn như hỗ trợ tài chính chuỗi cung ứng.
Khả năng tiếp cận hạn chế với tín dụng ngân hàng là một vấn đề còn tồn tại ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Tỷ lệ cho vay dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã giảm xuống trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và năm 2014, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ nhận được 18,7% trong tổng số các khoản cho vay của ngân hàng.
Một số quốc gia đã có tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề này. Indonesia và Philippines đã đưa ra hạn mức cho vay bắt buộc của các ngân hàng dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Mông Cổ đã khuyến khích các chương trình cho vay tái cấp vốn. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng khu vực cần phải phát triển hơn nữa các tổ chức tín dụng, các cơ sở dữ liệu tài sản thế chấp và các chương trình bảo lãnh tín dụng để mở rộng phạm vi tài chính, đặc biệt là tại các nước có thu nhập thấp.
Lĩnh vực tài chính phi ngân hàng, điển hình là những các công ty tài chính, các hãng cho thuê tài chính đối với máy móc và thiết bị trong khu vực vẫn còn quá nhỏ để đáp ứng nhu cầu tài trợ vốn của các doanh nghiệp, với tổng giá trị các khoản cho vay dạng này chỉ bằng một phần mười tổng giá trị dư nợ các khoản vay ngân hàng.
Các chính phủ cần tạo dựng một khung chính sách toàn diện để hỗ trợ các tổ chức tài chính phi ngân hàng mở rộng các lựa chọn tài trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của họ. Các nỗ lực đang được thực hiện để mở cửa các thị trường cổ phiếu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể giúp các doanh nghiệp này có được nguồn tài trợ dài hạn mà họ cần để trưởng thành.
Phương Linh