Phi công chuyển việc, báo trước bao lâu ?

Dự thảo Thông tư Bổ sung một số điều của Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến. Theo văn bản này, nhân viên hàng không trình độ cao có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, song phải thông báo trước bằng văn bản cho hãng ít nhất 180 ngày. Trong khi đó, quy định chung đang được áp dụng với người lao động hiện nay là 30-45 ngày.

Cơ quan quản lý định nghĩa nhân viên hàng không “trình độ cao” bao gồm phi công, nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay có chứng chỉ CRS mức B trở lên, nhân viên điều độ, khai thác bay… Đây là đối tượng được dư luận chú ý sau nhiều trường dịch chuyển về lao động trong ngành hàng không những năm gần đây. Do vậy, đề xuất nêu trên cũng gặp phải không ít quan điểm trái chiều.

VNA-1-3648-1421046528-JPG-4752-142932901

Dự thảo cho rằng phi công là nhân viên hàng không trình độ cao, do đó có những quy định đặc thù .

Phát buổi tại buổi họp tại Bộ Giao thông vận tải hồi tuần trước, Tổng giám đốc Vietnam Airlines – Phạm Ngọc Minh lên tiếng ủng hộ quy định nêu trên. Theo đó, lịch bay của hãng được tính theo chu kỳ 6 tháng, bao gồm cả nội dung về nguồn lực lao động. Do vậy, phi công nghỉ việc đột xuất sẽ làm xáo trộn toàn bộ kế hoạch kinh doanh.

Ngoài ra, để tìm một phi công thay thế, hãng này cần ít nhất 4 tháng, cộng thêm 2 tháng để phi công mới quen việc. Đại diện Vietnam Airlines cũng cho rằng quy định này nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường hàng không, an toàn trong khai thác bay.

Chung quan điểm với Vietnam Airlines, Tổng giám đốc Jetstar Pacific – Lê Hồng Hà cho biết năm qua, nhiều trường hợp phi công nghỉ việc đã gây xáo trộn nhất định trong hoạt động bay của hãng. Cụ thể, Jetstar có 4 phi công người Việt và số lượng tương tự người nước ngoài xin nghỉ trong năm 2014. Quá trình tìm người thay thế kéo dài, khiến những phi công còn lại phải tăng ca để bù đắp. “Nếu người lao động thông báo kế hoạch nghỉ việc trước 6 tháng, hãng sẽ chủ động hơn trong việc sắp xếp lịch bay, bảo đảm hoạt động”, ông Lê Hồng Hà nói.

Trái với 2 ý kiến trên, hãng hàng không tư nhân Vietjet lại vừa gửi văn bản góp ý lên Bộ Giao thông Vận tải. Trong đó, Vietjet Air cho rằng thời hạn 180 ngày là trái với Luật Lao động. “Quan trọng hơn, thời hạn 180 ngày này sẽ gặp phải sự phản đối của giới phi công nước ngoài”, đại diện Vietjet Air nói với VnExpress.

Theo đó, hãng đã nhận được ý kiến của phi công ngoại, cho biết với những công ty mà họ từng làm việc như Air Moldova, Air Macau, PAL Express… cũng yêu cầu thời hạn thông báo chấm dứt hợp đồng là 30 ngày. “Quy định 180 ngày gây khó dễ, khiến phi công không còn muốn đến Việt Nam làm việc. Trong khi đó, tại Vietjet, 90% người lái đến từ nước ngoài”, đại diện hãng nói.

Chia sẻ ý kiến trên, đại diện Jetstar Pacific cho biết lâu nay hợp đồng với các phi công ngoại thường được ký thông qua các đại lý, trong đó có quy định rõ về thời hạn thông báo kế hoạch nghỉ việc. Do đó, Tổng giám đốc Lê Hồng Hà cho rằng dù ông mong muốn dự thảo được thông qua, Thông tư cũng cần cân nhắc đến yếu tố người nước ngoài, nhất là trong bối cảnh các phi công ngoại quốc thường không gắn bó lâu với một hãng.

Trước nhiều ý kiến trái chiều, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Giao thông) đã lên tiếng bảo vệ dự thảo. Trao đổi với báo chí, Vụ trưởng Trịnh Thị Hằng Nga dẫn điều 70 của Luật Hàng không cho rằng Bộ trưởng Giao thông được phép quy định chế độ lao động, kỷ luật đặc thù của nhân viên hàng không, nên có thể đưa ra mức trên 30 hay 45 ngày.  Ngoài ra, quy định của Bộ luật Lao động đưa thời hạn thông báo “ít nhất”, không phải thời hạn tối đa.

“Chúng tôi xem xét cân bằng lợi ích của doanh nghiệp và người lao động. Không thể để doanh nghiệp xáo trộn kinh doanh cũng như người lao động thiệt thòi khi nghỉ việc”, bà Trịnh Thị Hằng Nga nói.

Nhận xét về dự thảo của Bộ Giao thông, ông Hà Đình Bốn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Lao động thương binh và Xã hội cho biết, trong trường hợp phi công muốn chấm dứt hợp đồng (với trường hợp không xác định thời hạn) mà dự thảo thông tư quy định phải báo trước 180 ngày là trái với Bộ luật Lao động.

“Điều 37 và 38 của Bộ luật quy định trong trường hợp này, muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng thì người lao động chỉ cần báo trước 45 ngày với hợp đồng không xác định thời hạn còn nếu xấc định thời hạn thì chỉ cần báo trước 30 ngày”, ông Bốn chia sẻ với VnExpress.

Liên quan đến giải thích của đại diện cơ quan soạn thảo về việc luật không quy định thời hạn tối đa, ông Bốn khẳng định không thể vận dụng cách hiểu này để đưa ra quy định phải báo trước bằng văn bản 180 ngày như dự thảo. “Đây mới là dự thảo, nhưng nếu khi ban hành Thông tư chính thức mà vẫn quyết giữ quy định như trên thì sẽ trái quy định của Bộ luật. Thông tư không thể to hơn luật được”. Vụ trưởng Bốn nhấn mạnh.

Đứng từ quan điểm của người làm luật, Luật sư Lê Đình Vinh, Đoàn luật sư Hà Nội cũng đồng tình với Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Ông cho rằng việc xác lập, thay đổi, chấm dứt hợp đồng lao động phải là kết quả của sự thỏa thuận và thống nhất ý chí giữa người lao động và người sử dụng lao động trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Mọi sự áp đặt làm ảnh hưởng đến sự tự do ý chí trong giao kết hợp đồng lao động đều làm cho hợp đồng không còn đúng với bản chất.

Cũng theo ông, trong nền kinh tế, có rất nhiều ngành, lĩnh vực đặc thù. Nếu mỗi ngành, mỗi lĩnh vực có tính đặc thù mà tự đặt ra những quy định riêng thì sẽ phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bộ Giao thông Vận tải sẽ lấy ý kiến các cơ quan liên quan về dự thảo thông tư an toàn hàng không dân dụng và khai khác tàu bay đến hết tháng 4. Sau khi tổng hợp và hoàn thiện, Bộ trưởng Giao thông Vận tải sẽ ban hành, dự kiến có hiệu lực từ tháng 7.

Đầu năm 2015, Vietnam Airlines đã có 117 lượt phi công báo ốm, chiếm 90% nhân lực ở đội bay Airbus. Nhiều người đã muốn chấm dứt hợp đồng để chuyển sang hãng khác, gây khó khăn cho công tác điều hành bay của hãng. Trước đó vào cuối năm 2013, tình trạng tương tự cũng từng xảy ra với đội ngũ nhân viên kỹ thuật của hãng hàng không quốc gia.

Hiếu Bình – Đoàn Loan

0913.756.339