Số kiều hối này theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM chủ yếu chảy vào sản xuất kinh doanh thay vì tập trung vào kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán và gửi tiết kiệm như trước đây.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tăng qua các năm gần đây chủ yếu do các chính sách thu hút kiều hối như mở rộng mạng lưới chuyển tiền, chi trả kiều hối, tạo thuận lợi cho hoạt động gửi tiền về nước của người Việt Nam ở nước ngoài, đã phát huy hiệu quả.
“Cùng với đó, một số quy định về hoạt động ngoại hối cũng đã đơn giản hóa như không hạn chế số lượng tiền; người nhận kiều hối không phải chịu thuế thu nhập; không bị bắt buộc phải bán ngoại tệ cho ngân hàng… đã góp phần thu hút thêm kiều hối về nước”, ông Minh nói.
Kiều hối về Việt Nam nhiều trong bối cảnh lãi suất huy động ngoại tệ thấp hơn so với tiền đồng cũng khiến một số người dân chuyển từ ngoại tệ sang tiền đồng. Điều này giúp cho tỷ giá USD/VND có phần bớt căng thẳng trước sức ép đồng đôla Mỹ liên tục tăng giá.
Mặc dù vậy, giá USD trong ngân hàng cũng có sự điều chỉnh đi lên, từ mức bán ra quanh 21.339 đồng cách đây 3 tuần, thì đến nay, giá đã lên 21.555 đồng mỗi USD. Ngoài thị trường tự do, đôla Mỹ dao động 21.700 đồng.
Lệ Chi