Điều đó cho thấy họ bắt đầu ý thức hơn khi bước vào một cuộc đua tưởng chừng cũ mà lại mới: Trở thành một ngân hàng an toàn.
Một trong những cách giúp ngân hàng trở nên an toàn chính là tuân thủ Basel – Hiệp ước vốn do Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng thiết lập. Basel gồm các bộ tiêu chuẩn khắt khe về vốn, giúp ngân hàng đảm bảo an toàn trong hoạt động. Nếu như Basel I tập trung vào bảo toàn vốn chủ sở hữu, phân định vốn tự có theo nhiều cấp độ thì Basel II đề cập thêm những rủi ro về thị trường, vận hành, đồng thời tỷ lệ an toàn vốn cũng phải khắt khe hơn.
Trong khi nhiều ngân hàng trên thế giới đã thực hiện Basel III thì hiện phần lớn các ngân hàng trong nước mới dừng ở Basel I. Với Basel II, từ năm 2014, mới có 10 đơn vị được Ngân hàng Nhà nước chọn thí điểm thực hiện gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và Maritime Bank.
Được “chọn mặt gửi vàng” nhưng triển khai Basel II trong bối cảnh áp lực lợi nhuận ngày càng cao vẫn là những thách thức lớn cho các ngân hàng này. Theo ước tính, chi phí triển khai các giải pháp áp dụng Basel II có thể tốn kém 3-5 triệu USD (khoảng trên dưới 100 tỷ đồng). Thêm vào đó, khẩu vị rủi ro tín dụng bị thắt chặt, lợi nhuận sẽ bị co hẹp đáng kể. Ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam từng nhận định, triển khai Basel II trước tiên phải thay đổi nhận thức của các ông chủ.
Nợ xấu của VIB năm 2014 đã giảm còn 2,51% so với 2,81% một năm trước đó và được Moody’s đánh giá là một trong 2 ngân hàng Việt có sức mạnh tài chính cao nhất. |
Thực tế nhiều ông chủ ngân hàng Việt đã thay đổi tư duy, thể hiện rõ nhất trong cách tiếp cận với truyền thông và khách hàng. Nếu các năm trước, họ dồn dập công bố về những mức lợi nhuận khủng, thưởng Tết, thu nhập cao của nhân viên… thì gần đây lại quan tâm nhiều hơn đến chất lượng tín dụng, đến những khái niệm như dự phòng, quản trị rủi ro.
Như Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), vì theo đuổi chính sách thận trọng, trích lập dự phòng mạnh tay mà nhiều năm liền lợi nhuận không cao. Để giảm nợ xấu, quy trình phê duyệt tín dụng cũng phải thay đổi, quốc tế hóa hơn nhưng đồng nghĩa là cho vay ít hơn.
Hoặc Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank), có thời điểm chủ tịch ngân hàng đứng ra tuyên bố cắt giảm cổ tức hiện tại cho dự phòng rủi ro, giúp nhà băng an toàn hơn trong tương lai. Ngoại trừ 10 ngân hàng được chọn triển khai Basel II, nhiều ông chủ các nhà băng khác cũng bắt đầu rục rịch sẵn sàng tham gia.
Ông Loic Fraussier – Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro của VIB chia sẻ, thực hiện Basel II, ngân hàng gặp rất nhiều thách thức nhưng lợi ích dài hạn mới khiến họ thực sự quan tâm. “Sau thời gian thực hiện Basel II, khung quản trị rủi ro của VIB đang tiệm cận với các ngân hàng quốc tế, giúp chúng tôi có cơ sở để cạnh tranh với họ khi trở thành ngân hàng lành mạnh và an toàn hơn. Nợ xấu của VIB năm 2014 đã giảm còn 2,51% so với 2,81% một năm trước đó và chúng tôi được Moody’s đánh giá là một trong 2 ngân hàng Việt có sức mạnh tài chính cao nhất”,
Ông Lê Trung Kiên – Phó vụ trưởng Vụ chính sách an toàn hoạt động ngân hàng – Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng việc triển khai Basel II tại Việt Nam còn nhiều thách thức về nhân lực cũng như khả năng tài chính. Tuy nhiên, đây là việc buộc phải làm bởi thực hiện Basel II là một nội dung quan trọng trong Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Đánh giá cao việc rục rịch thực hiện Basel II ở Việt Nam, nhưng giới chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên làm rõ kết quả thực hiện thí điểm Basel II để dư luận được biết. Chuyên gia độc lập Nguyễn Trí Hiếu đặt vấn đề: “Dù thực hiện Basel I, II hay III, nền tảng chung vẫn là các ngân hàng phải có một báo cáo tài chính chính xác, minh bạch và khách quan. Nếu không, dù có đưa ra chỉ tiêu, điều kiện thế nào và thực hiện nó thì các Basel cũng chỉ là ảo ảnh”.
Ngân Hà