Lần điều chỉnh giá gần đây nhất ngày 11/3, giá bán lẻ mỗi lít xăng được các doanh nghiệp đưa lên mức 17.280 đồng một lít. Theo công bố của Bộ Công Thương, giá này được tính trên cơ sở thuế nhập khẩu vẫn ở mức 35%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, VAT 10% và thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng.
Tính theo thời điểm 11/3, trong cơ cấu giá, mỗi lít xăng 17.280 đồng gồm 7.458 đồng tiền thuế, chiếm 43% tổng giá thành. Nếu thuế bảo vệ môi trường tăng lên 3.000 đồng từ ngày 1/5, gánh nặng thuế có thể chiếm 55% cơ cấu giá.
Khi đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường, thay mặt Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định mức tăng này sẽ ít hơn nhiều so với chiều giảm của thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết quốc tế. Cụ thể, thuế nhập khẩu sẽ giảm về 20% thay vì 35% như hiện nay.
Tuy nhiên, hiện cơ quan quản lý ngành xăng dầu là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính vẫn chưa có thông tin nhất quán về thuế suất nhập khẩu của mặt hàng thiết yếu này. Một đại diện của Bộ Tài chính cho biết ngay từ 1/5/2015, các loại thuế nhập khẩu xăng qua thị trường ASEAN đã được giảm về 20%. Trong khi đó, trên website công khai giá xăng của Bộ Công Thương, thuế suất công bố vẫn là 35%. Ngoài ra, theo tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xăng nhập qua thị trường ASEAN hiện đã chiếm khoảng 50% tổng sản lượng tiêu thụ trong nước.
Trả lời về lộ trình tăng – giảm trong buổi tọa đàm tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ gần đây Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) – Phạm Đình Thi thừa nhận, nhắc đến thuế là nhắc đến ngân sách. Do vậy, điều chỉnh thế nào để giảm rủi ro cho ngân sách là bài toán tổng thể cần tính đến. “Vì thế, không phải lộ trình giảm thuế có hiệu lực là ta giảm ngay” ông Thi nói.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, tăng thuế môi trường với xăng sẽ tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách thay vì quá phụ thuộc vào những nguồn buộc phải giảm theo lộ trình. Song, cũng vì thế mà các chuyên gia kinh tế lo lắng liệu phần tăng này có thực sự để phục vụ bảo vệ môi trường hay có thể bị dùng sai mục đích.
Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch từng bức xúc: “Tình hình chi ngân sách vẫn thiếu minh bạch, thiếu kỷ cương, ‘mềm’ đến mức độ tùy tiện”. Riêng với phần thu chi từ thuế bảo vệ môi trường, số liệu quyết toán hai năm gần đây chưa được công bố, tuy nhiên phần dự toán trước đó cũng cho thấy có sự chênh lệch rất lớn từ khoản thu được và phần chi ra.
Cụ thể, dự toán chi ngân sách trung ương năm 2013 cho biết số chi thường xuyên cho bảo vệ môi trường chỉ 1.172 tỷ, chưa bằng 10% của số thu được năm đó (gần 14.300 tỷ đồng). Hay năm ngoái, bản dự toán tương tự công bố, mức chi dù đã tăng lên, xấp xỉ 1.450 tỷ đồng nhưng cũng khá khiêm tốn so với số thu hơn 12.500 tỷ đồng.
Chí Hiếu – Thanh Lan