UBND TP HCM vừa yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chuẩn bị các thủ tục, phối hợp với Sở Tài chính thẩm định để tổ chức đấu thầu khai thác các tuyến xe buýt có trợ giá. Phương án phải được trình lãnh đạo thành phố xét duyệt trước ngày 15/3.
Việc đấu thầu khai thác các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn được kỳ vọng sẽ giúp giảm số tiền ngân sách TP HCM phải bù lỗ hàng năm. Ảnh: Hữu Công. |
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cũng được giao phải hoàn thành việc tổ chức đấu thầu khai thác các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố. Việc khai thác 18 tuyến hiện hữu, một tuyến mở mới trước ngày 30/6 và hoàn tất đấu thầu tất cả các tuyến buýt trợ giá còn lại trong 6 tháng cuối năm nay.
Theo Sở Giao thông Vận tải, việc đấu thầu xe buýt để các doanh nghiệp không trông chờ ngân sách trợ giá mà nỗ lực tìm kiếm giải pháp, sáng kiến kinh doanh phù hợp nhằm thu hút ngày càng nhiều hành khách đi xe buýt. Bên cạnh đó, còn giúp doanh nghiệp chú trọng hơn về chất lượng phục vụ.
Thành phố hiện có 37 tuyến xe buýt không có trợ giá và 110 tuyến có trợ giá với gần 3.000 đầu xe, đáp ứng khoảng 6-7% nhu cầu đi lại của của người dân. Tuy nhiên, tổng số tiền trợ giá cho xe buýt hàng năm là rất lớn và tăng dần trong vòng 5 năm trở lại đây. Nếu năm 2005 là 500-600 tỷ đồng thì trong vài năm gần đây đã lên đến hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm, tạo áp lực cho ngân sách thành phố.
Liên quan đến vấn đề trợ giá cho xe buýt, các chuyên gia khuyến cáo, nếu TP HCM không thực hiện hiệu quả công tác đấu thầu trong các hoạt động vận tải hành khách công cộng, thì tương lai ngân sách phải bỏ ra trợ giá cho hoạt động này trên địa bàn sẽ còn tăng cao gấp nhiều lần so với hiện nay.
Trung Sơn