Sáng 5/3, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định chuyển đổi Ngân hàng cổ phần Xây dựng (VNCB) sang mô hình mới, ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Đây là bước tiếp theo sau khi Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng và trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của nhà băng, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu.
Theo Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh, không chỉ VNCB, Ngân hàng Nhà nước đã có kế hoạch mua lại GPBank, sau đó có thể là OceanBank với giá 0 đồng nếu những ngân hàng này không thể tự xử lý được.
Chuyện không để ngân hàng Việt phá sản vốn là đề tài tranh cãi của cả giới học thuật lẫn những người trong cuộc lâu nay. Trước thông tin sẽ có nhiều cái tên được xử lý tương tự VNCB, tổng giám đốc một nhà băng cổ phần cho rằng cách làm này phù hợp với điều kiện Việt Nam. “Tôi nghĩ phương án Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng sẽ hợp lý hơn. Nếu để một ngân hàng chết, thị trường có thể náo loạn và chúng ta sẽ không lường hết ảnh hưởng của nó”, ông cho hay.
Các chuyên gia cũng đánh giá cách làm chưa có tiền lệ này của Ngân hàng Nhà nước cho thấy ý chí quyết tâm mạnh mẽ để có một hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh.
“Sẽ có một số người quan ngại Ngân hàng Nhà nước đứng ra mua cổ phần ngân hàng với giá 0 đồng, nhưng tôi cho rằng việc này sẽ giúp lòng tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng được củng cố khi mà những ngân hàng yếu kém bị xử lý quyết liệt”, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận.
Ngân hàng Xây dựng sáng 5/3 đã chính thức chuyển đổi sang mô hình TNHH một thành viên thuộc 100% sở hữu của Nhà nước. Ảnh: Lệ Chi. |
Chung quan điểm, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, ông Trương Văn Phước cho rằng Ngân hàng Nhà nước mua lại các tổ chức tín dụng chỉ là một trong nhiều cách thực hiện tái cơ cấu hệ thống nhưng là biện pháp cuối cùng nếu các giải pháp khác không thực hiện. Cơ sở để thực hiện biện pháp này là Quyết định 48 của Thủ tướng về góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt.
Ông Trương Văn Phước tin tưởng một khi có ngân hàng trung ương tham gia vào một ngân hàng thương mại thì chắc chắn niềm tin của thị trường sẽ tăng lên và nhà băng đó sẽ phục hồi tốt. Ông Phước từng được giao trọng trách phục hồi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Eximbank khi nhà băng này đứng trước nguy cơ đổ vỡ năm 1997. Theo ông, tinh thần của Quyết định 48 và kế hoạch mua lại VNCB của Ngân hàng Nhà nước gần giống tự cách trước đây nhà điều hành đã chấn chỉnh và củng cố Eximbank. Khi đó, Vietcombank được chỉ định mua cổ phần, tăng vốn và cử cán bộ điều hành để phục hồi Eximbank.
Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh cũng lý giải, VNCB đủ điều kiện để phá sản, nhưng Nhà nước không chọn cách này mà mua lại với giá 0 đồng nhằm đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, ổn định chính trị, xã hội. Hiện nay các chủ kinh doanh của ngân hàng mất sạch vốn mà không bổ sung được để đáp ứng đủ mức vốn pháp định nên bắt buộc Ngân hàng Nhà nước phải mua lại để khắc phục khó khăn tồn tại.
“Kể từ khi tuyên bố mua lại VNCB với giá 0 đồng thì Ngân hàng Nhà nước chịu toàn bộ trách nhiệm với người gửi tiền”, ông nói.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng ưu điểm của giải pháp mua lại là đem lại sự ổn định cho hệ thống và niềm tin người gửi tiền. Vì hiện nay theo quy định, tiền gửi của người dân được bảo hiểm tiền gửi chi trả với giá trị tối đa chỉ 50 triệu đồng. Nếu để ngân hàng phá sản thì chỉ có những khách hàng gửi tiền nhỏ lẻ được bảo đảm, còn những khách hàng lớn chịu thiệt và dễ gây rối loạn hệ thống.
“Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước đứng ra mua lại với giá 0 đồng thể hiện quyết sách hành động đúng của cơ quan này đối với ngân hàng yếu kém, đồng thời để bảo vệ tài sản của dân”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Điều mà không ít người quan tâm hiện nay là nguồn vốn ở đâu để xử lý ngân hàng theo cách mua lại. Dù là mua với giá 0 đồng, Ngân hàng Nhà nước ắt phải kế thừa trách nhiệm với người gửi tiền, khắc phục các tồn tại, lấp đầy các khoản lỗ cũng như bổ sung đầy đủ số vốn điều lệ theo quy định và cần một khoản chi phí rất lớn cho việc tái cấu trúc nhà băng.
“Vậy nguồn kinh phí này sẽ lấy từ đâu nếu không phải là từ ngân sách Nhà nước. Và câu chuyện vận hành ngân hàng đi vào hoạt động như thế nào để có thể thu hồi vốn cũng là điều mà nhà điều hành cần lưu tâm”, một chuyên gia là thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia lo ngại.
Theo vị chuyên gia, khi tiếp nhận VNCB cũng như các ngân hàng yếu kém khác, Ngân hàng Nhà nước đồng nghĩa ôm một khoản nợ xấu lớn, rất khó xử lý và nguy cơ mất vốn là cực cao. Ông nhận định, không hề dễ dàng để phục hồi một ngân hàng mà vốn chủ sở hữu âm, tức đã phá sản về mặt kỹ thuật, phát triển đến một giai đoạn hưng thịnh, bắt đầu có lãi nhằm trả lại những chi phí cũng như vốn điều lệ cho Nhà nước.
“Đây chỉ là biện pháp tạm thời, do tính hiệu quả của nó chưa thực sự rõ ràng nên Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc. Vấn đề của ngân hàng yếu kém là họ cho vay quá nhiều, nợ xấu quá cao. Một khi Ngân hàng Nhà nước đứng ra mua lại cũng không giải quyết tận gốc được những vấn đề này trừ khi Chính phủ gom tất cả tài sản xấu về và xóa khỏi sổ sách”, ông nói.
Trước những băn khoăn này, Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh thừa nhận, để tái cấu trúc Ngân hàng Xây dựng, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra khoảng 40.000 tỷ đồng nhằm đảm bảo nhà băng này có thể hoạt động trở lại bình thường. Ông cũng cho biết, hiện số tiền này đã sẵn sàng nhưng từ chối tiết lộ nguồn gốc được lấy từ đâu.
Về khả năng thu hồi vốn cho Nhà nước, đại diện Ngân hàng Nhà nước tái khẳng định, chỉ khi bản thân ngân hàng thương mại không thể tự xử lý được khó khăn của mình, trong khi Chính phủ chưa cho phép ngân hàng phá sản thì cơ quan này mới thực hiện giải pháp cuối cùng là đứng ra mua lại với giá 0 đồng để bảo vệ người gửi tiền và giữ ổn định hệ thống chứ không đặt mục tiêu kinh doanh.
“Khi thực hiện giải pháp này, Ngân hàng Nhà nước cũng thấy trước những khó khăn rất lớn. Công tác tái cấu trúc VNCB chắc chắn sẽ mất một thời gian khá dài. Tuy nhiên, nếu thời gian tới, ngân hàng nào yếu kém mà không thể tự xử lý được, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện việc mua lại với giá 0 đồng để đảm bảo an toàn hệ thống và giúp ngân hàng được mua lại này hoạt động tốt hơn”, ông Thanh nói.
Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh tin rằng, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước cùng đề án tái cơ cấu VNCB đã được đệ trình lên Chính phủ, Ngân hàng Xây dựng sẽ sớm vượt qua khó khăn.
Hiện nay, ngoài việc được đảm bảo về tiềm lực tài chính từ phía Nhà nước, Ngân hàng Xây dựng sẽ được Ngân hàng Ngoại thương tham gia hỗ trợ về con người và công nghệ để giúp nhà băng này sớm thoát khỏi khó khăn. Đề án tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng đã được Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) trình lên Ngân hàng Nhà nước và được đánh giá cao. Đề án sẽ được trình lên Thủ tướng phê duyệt để Vietcombank tiến hành cải tổ Ngân hàng Xây dựng, sớm đưa nhà băng này đi vào hoạt động ổn định và phát triển.
Bản thân lãnh đạo VNCB cũng cho rằng, với việc Ngân hàng Nhà nước nắm quyền sở hữu toàn bộ vốn điều lệ và Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) tham gia quản trị, điều hành, VNCB có điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai thành công phương án tái cơ cấu được duyệt và phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, hiệu quả hơn.
Lệ Chi – Thanh Lan