“HSBC không chỉ nhắm mắt cho qua với những người muốn trốn thuế, mà trong một số trường hợp, họ còn tích cực giúp khách hàng làm việc này”. – Đây là kết luận của Hiệp hội Phóng viên Điều tra quốc tế (ICIJ), dựa trên số tài liệu từ một trong những vụ rò rỉ thông tin mật lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng, liên quan đến 106.000 khách hàng tại 203 quốc gia, với số tài sản trị giá 118 tỷ USD.
Dù giới chức thuế đã tiếp cận số tài liệu này từ năm 2010, đây là lần đầu tiên các hoạt động tại chi nhánh HSBC Thụy Sĩ được công bố rộng rãi. Việc này đã thu hút sự chú ý rất lớn từ truyền thông thế giới trong vài ngày qua, BBC nhận xét.
Khi ICIJ và các đối tác truyền thông liên hệ với HSBC, phản ứng đầu tiên của nhà băng là cho rằng ICIJ đã bóp méo số liệu. Nhưng tháng trước, sau khi được thông báo về kết quả nghiên cứu, HSBC đã trả lời bằng một văn bản mềm mỏng hơn.
“Trước đây, ngành ngân hàng Thụy Sĩ hoạt động rất khác bây giờ”, thông cáo cho biết, “Trong một số trường hợp, các cá nhân đã lợi dụng sự bí mật của ngân hàng để giấu danh tính trên tài khoản”. Tuy nhiên, họ cũng khẳng định đã “có những bước đi đáng kể vài năm qua để cải cách”, dù từ chối “bình luận về từng khách hàng, hay xác nhận họ có đang hoặc từng là khách hàng hay không”.
HSBC đang bị kêu gọi kiểm tra hoạt động tại nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Bloomberg |
The Guardian của Anh là một trong hơn 50 cơ quan truyền thông nhận được tài liệu của ICIJ. Dù cho rằng không phải tất cả người mở tài khoản ở Thụy Sĩ đều là để trốn thuế, nhưng một số bằng chứng cho thấy “vài người đã thông qua việc này để buôn ma túy, hối lộ, lừa đảo, trợ giúp các nhóm khủng bố hay đục khoét chính đất nước mình”. TheGuardian kết luận trong những trường hợp này, công chúng có quyền được biết sự thật.
Theo tài liệu, HSBC từng giúp Emmanuel Shallop – người sau này bị kết án tù vì buôn “kim cương máu”. “Chúng tôi đã mở một tài khoản công ty cho ông ta ở Dubai. Khác hàng này đang rất cẩn trọng vì bị giới chức thuế Bỉ điều tra vụ buôn kim cương”, một đoạn ghi chú trong tài liệu rò rỉ cho biết.
Còn với tờ Le Monde của Pháp, sự đa dạng của các chủ tài khoản trong danh sách khiến họ chú ý nhất. “Những người buôn lậu vũ khí, buôn ma túy, tài trợ khủng bố, chính trị gia, người nổi tiếng, vận động viên, rồi các tài phiệt công nghiệp rất thích giấu tiền ở Thụy Sĩ”, Le Monde nhận xét. Đây là điều “hoàn toàn bất hợp pháp” với người Pháp nói riêng và các khách hàng khác nói chung.
Le Monde cho biết dịch vụ của HSBC đã khuyến khích nhiều chủ tài khoản giấu tiền ở nước ngoài, nhằm tránh các đạo luật như Thỏa ước Tiết kiệm (European Savings Directive) công bố năm 2005. Thỏa ước này yêu cầu các ngân hàng Thụy Sĩ đánh thuế các các tài khoản bị giấu danh tính và chuyển cho cơ quan thuế.
Indian Express (Ấn Độ) thì lại quan tâm đến số khách hàng nước mình đã xác định được danh tính tại HSBC. Con số này hiện đã lên 1.195 người, gấp đôi so với 628 người giới chức Pháp cung cấp cho Ấn Độ năm 2011.
Việc này sẽ giúp Ấn Độ mở rộng cuộc điều tra hiện tại. Những người nằm trong danh sách đen gồm cả doanh nhân nổi tiếng, nhà buôn kim cương và chính trị gia. “Trong 276 chủ tài khoản sở hữu ít nhất 1 triệu USD, 85 người đang sống trong nước”, tờ báo cho biết.
Nhà hoạt động chống tham nhũng kiêm lãnh đạo đảng Aam Aadmi – Arvind Kejriwal đã kêu gọi chính quyền có động thái với các nhân sự cốt cán của HSBC. Trong khi đó, lãnh đạo đảng BJP cho rằng các tài liệu này đã chỉ ra nơi “của cải quốc gia – vốn được dùng cho cơ sở hạ tầng” đã đi đâu. Bà cũng kêu gọi trừng phạt nghiêm khắc những người tham gia vào “vụ lừa đảo” này.
Tây Ban Nha có khoảng 4.000 người trong danh sách khách hàng HSBC. Dù phần lớn liên quan đến các khoản tiền giấu Bộ Tài chính, không phải trường hợp nào cũng là trốn thuế. Theo El Confidencial, hơn nửa danh sách là đàn ông, nhưng nghề nghiệp phổ biến nhất được HSBC ghi vào hồ sơ lại là “nội trợ”. Trong danh sách nhiều nước khác, từ này không chỉ được dùng cho phụ nữ đã kết hôn, mà còn cho doanh nhân nữ, kỹ sư và thậm chí cả công chúa.
Những người có địa vị cao trong này có cả cựu lãnh đạo ngân hàng Santader – Emilio Botin. Gia đình ông đã phải trả 200 triệu euro thuế cho Chính phủ Tây Ban Nha năm 2011.
Trong khi đó, tại Nga, Magomed Vakhayev – Phó chủ tịch Ủy ban An ninh và Phòng chống tham nhũng Hạ viện Nga đã kêu gọi kiểm tra nguồn gốc các tài khoản được cho là của quan chức nước này. “Dĩ nhiên, tôi cho rằng nếu đó là sự thật, chúng sẽ bị điều tra ra thôi”, ông cho biết trên kênh radio Ekho Moskvy. “Điều này rất quan trọng, do họ không kiếm được tiền ở nước ngoài. Rõ ràng họ có ý định giữ tiền trong các nhà băng ngoại thay vì đầu tư trong nước”, ông kết luận.
Hà Thu