Tỷ giá tăng có thể hỗ trợ xuất khẩu

Tỷ giá bình quân giữa tiền đồng và đôla Mỹ vừa được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lên mức 21.458 đồng từ ngày 7/1, tăng 1% so với trước đó. Với biên độ +/- 1%, giá mua – bán đôla Mỹ tại các ngân hàng, theo đó có thể giao dịch trong khoảng 21.243 – 21.673 đồng.

Lý giải về động thái này, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đây là quyết định nhằm dẫn dắt thị trường, giúp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu chủ động ngay từ đầu năm, phù hợp với diễn biến của thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế.

Phó thống đốc cũng thông tin sau khi điều chỉnh tỷ giá, thị trường ngoại tệ ngày 7/1 tiếp tục hoạt động thông suốt, giao dịch thực tế trên thị trường xoay quanh mức phổ biến 21.450-21.460 đồng. Thanh khoản tương đối tốt giúp tổng giá trị giao dịch trên thị trường đạt khoảng 700 triệu USD.

chuyen-ngoai-te-6564-141585149-6775-7995

Tăng tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu. Ảnh: Anh Quân

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia Cấn Văn Lực của BIDV cũng nhìn nhận, hiện đồng USD đã tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác trên thế giới như won của Hàn Quốc, yen Nhật, peso của Philippines hay bat Thái… Để đảm bảo cạnh tranh xuất khẩu, việc Việt Nam điều chỉnh tăng tỷ giá là cần thiết.

Ngoài ra, theo ông Lực, việc điều chỉnh này còn xuất phát từ các tín hiệu thị trường như nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh cuối năm, cần nhiều thương vụ phải chốt thanh toán bằng USD và các ngân hàng bắt đầu có tín hiệu điều chỉnh tỷ giá kịch trần. Trong bối cảnh giá cả tăng thấp, điều chỉnh tỷ giá như vậy sẽ không tạo áp lực tăng lạm phát.

Chung quan điểm này, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng đây là quyết định cho thấy cách ứng xử của Việt Nam trong thương mại toàn cầu. “Đây là biện pháp điều chỉnh mà nhiều nước muốn làm nhưng không còn dư địa. Ở Việt Nam, tuy dư địa còn ít nhưng vẫn rất quan trọng”, ông Nghĩa nói.

Tiến sĩ Nghĩa cũng cho rằng, điều chỉnh tỷ giá hối đoái hữu hiệu nhất cho hỗ trợ cán cân vãng lai và xuất khẩu, tạo ra lợi kép: giá đầu vào nhiên liệu rẻ, lãi suất giảm, đầu ra (xuất khẩu) tăng lên.

Ngoài ra, theo ông Nghĩa, việc cơ quan điều hành tăng tỷ giá hối đoái có lợi cho thu ngân sách từ USD. Đây là yếu tố quan trọng với ngân sách, phản ánh chính sách tài khóa, tiền tệ được phối hợp chặt chẽ.

Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương (Vietinbank) cũng nhìn nhận việc điều chỉnh tỷ giá này đã tạo niềm tin rất tốt cho thị trường và là một trong những yếu tố rất quan trọng để tạo điều kiện phát triển thị trường tiền tệ ở Việt Nam minh bạch hơn, bền vững hơn.

Trong khi đó, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại Thương – Phạm Thanh Hà mặc dù cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá lần này được thực hiện ngay từ đầu năm có đôi chút khác biệt so với 2 năm trước đó, nhưng nguyên nhân khá tương đồng và nhất quán với mục tiêu chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong năm vừa qua.

Ngoài tác động hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, theo ông Hà, động thái còn kích thích dòng kiều hối tăng trong mùa cao điểm hiện nay và góp phần tăng giải ngân cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp. “Còn về tác động tâm lý thì rõ ràng việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ làm giảm kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá, giảm tâm lý nắm giữ ngoại tệ của thị trường”, ông Hà đánh giá.

Trong ngày hôm nay, giá mua bán USD tại các ngân hàng đã tăng hàng chục, thậm chí hơn 100 đồng, lên mức cao nhất 21.520 đồng vào buổi sáng. Tuy nhiên, đến chiều, các nhà băng đồng loạt giảm xuống quanh mức 21.460-21.480 đồng.

Hoài Thu

0913.756.339