Nhấn mạnh sự khác nhau giữa lập trường của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương lớn khác, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi phát biểu với tờ Handelsblatt của Đức trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Sáu rằng lãi suất trong khối sẽ được thiết lập ở mức thấp trong thời gian lâu hơn.
Ông Draghi cũng ngụ ý về việc thay đổi khối lượng, tiến độ và nội dung của các biện pháp mà ECB đưa ra vào năm 2015 để đáp ứng với một giai đoạn lạm phát quá thấp. Phát biểu này khiến dư luận đoán rằng chương trình mua trái phiếu chính phủ sẽ được khởi động sớm.
Điều đó đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha và Ý euro xuống mức thấp kỷ lục 1,52% và 1,77%. Lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm tại Đức cũng giảm tới một kỷ lục mới ở mức 0,52%. Lợi suất trái phiếu giảm do giá của chúng tăng lên.
Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng trung ương Châu Âu. Ảnh: AP |
Đồng euro đã sụt giảm sau công bố trên, tuy nhiên các chiến lược gia cho rằng động thái này phần nhiều do USD đang tăng mạnh mẽ. Các số liệu kinh tế Mỹ tích cực gần đây làm dấy lên đồn đoán về một đợt tăng lãi suất sắp xảy ra.
Đồng euro giảm 0,2% xuống 1,2035$, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 6/2010, trong khi đồng bảng Anh chạm mức thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 8/2013. USD cũng đạt mức cao mới so với các đồng tiền tại các thị trường mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hai tháng ở mức 92,6, tăng từ mức 91,0 trong tháng mười một. Người tiêu dùng là động lực chính của tăng trưởng kinh tế tại Mỹ khi các hộ gia đình mua quà tặng và các mặt hàng khác trong mùa nghỉ lễ cuối năm.
Còn tại châu Âu, sau khi số liệu sản xuất khu vực châu Âu được công bố yếu hơn so với dự kiến, chỉ số Stoxx Europe 600 sau đó đã tăng lại với hy vọng rằng điều này có thể gây áp lực nhiều hơn để ECB sớm đưa ra hành động.
Quân Tạ