Kinh tế trông chờ trụ đỡ mới khi giá dầu giảm sâu

Ngành công nghiệp khai khoáng, trong đó có dầu mỏ, luôn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy khu vực khai khoáng đóng tỷ trọng cao thứ hai trong các ngành công nghiệp (sau chế biến – chế tạo). Thu từ xuất khẩu dầu thô cũng chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách. Do đó, khi giá dầu giảm, GDP và ngân sách Việt Nam không tránh khỏi bị tác động.

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 29/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận định giá xăng dầu giảm sẽ giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất.

“Nếu giá xăng dầu trong nước giảm khoảng 10% thì chi phí sản xuất sẽ giảm khoảng 0,57%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm khoảng 0,55% và kinh tế có thể tăng thêm 0,91%”, ông nói.

gia-dau-3380-1419842470.jpg

Những ngành công nghiệp khác tăng trưởng có thể đỡ cho ngành khai khoáng trước tác động tiêu cực của giá dầu thế giới.

Trước đó, ông Hà Quang Tuyến – Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) nhận định Việt Nam vẫn còn nhiều lĩnh vực để “gỡ” cho dầu thô nếu tăng trưởng khu vực khai khoáng giảm xuống do sản lượng dầu thô giảm. Nhìn vào dữ liệu lịch sử các năm, ông Tuyến cho hay một số ngành và lĩnh vực còn nhiều dư địa tăng trưởng, chẳng hạn như công nghiệp chế biến chế tạo…

“Năm 2014, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,45%, trong khi năm 2010 – 2011 tăng 12,1%. Nếu năm 2015 tăng được mức bình quân như giai đoạn 2010 – 2011 thì công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tăng 9,5 – 10%, bù đắp vào việc cắt giảm sản lượng dầu”, ông Tuyến nói.

Thậm chí, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân còn cho rằng giá dầu thấp là cơ hội với Việt Nam để bổ sung nguồn dự trữ. “Giá dầu thấp là cơ hội hết sức tốt để chúng ta tạm ngưng khai thác dầu thô và giảm sản lượng khai thác dầu để tăng dự trữ dầu. Đây là một trong những nguyên liệu rất quan trọng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh”, vị này phát biểu tại Hội nghị chiều qua.

Ghi nhận ý kiến của lãnh đạo TP HCM, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết ngay những tháng cuối năm, trước tình hình giá dầu thô liên tục giảm, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nghiên cứu và đề xuất phương án phù hợp xử lý việc khai thác dầu thô trong năm 2015, nhằm hạn chế tối đa những tác động bất lợi và đảm bảo tăng trưởng kinh tế.

gia-2-JPG-2763-1419842470.jpg

Biểu đồ giá dầu thô WTI thế giới trong 10 năm qua. Đơn vị: USD/thùng. Nguồn: Nasdaq

Tuy nhiên, trên vị thế là một quốc gia vừa xuất vừa nhập khẩu xăng dầu, và tổng chung là nhập siêu năng lượng, giá dầu thế giới giảm sẽ tác động hai chiều đến kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong năm 2015 khi doanh nghiệp phải giao theo các hợp đồng mới, trong khi giá dầu vẫn đang giảm nhanh và dự báo diễn biến khó lường.

Ông Trần Ngọc Năm – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) – đơn vị chiếm thị phần lớn nhất cả nước cho biết doanh nghiệp xăng dầu phải đảm bảo dự trữ lưu thông hàng hóa, khi giá xăng dầu giảm, toàn bộ lượng dự trữ sẽ phải bán ra với giá thấp hơn. “Để giữ được con số lợi nhuận của 9 tháng cũng không dễ vì xu hướng giá xăng dầu thế giới liên tục giảm”, ông Năm bày tỏ.

Trước khi đưa ra quan điểm lạc quan trên, chia sẻ với báo chí sau cuộc họp ngày 18/12, vị tư lệnh ngành Kế hoạch & Đầu tư đặt ra trường hợp Việt Nam có thể cắt 30% sản lượng khai thác dầu thô nếu không muốn thua thiệt do giá thế giới sụt giảm. Khi đó, GDP năm tới có thể giảm từ 0,8 đến 1,2 điểm phần trăm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận giá dầu giảm nửa cuối năm tuy chưa gây ảnh hưởng đáng kể cho năm nay nhưng sẽ là mối lo cho năm sau, bởi các hợp đồng dầu khí thường có kỳ hạn. “Điều lo ngại nhất là các hợp đồng đã ký có thời hạn thì ít nhất 3 tháng nữa sẽ bị tác động, chắc chắn ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như nguồn thu trong năm 2015”, ông nói.

Với việc thu từ xuất khẩu dầu thô hiện chiếm 10% tổng thu ngân sách và từng lên tới 30% trong các năm trước đây, tìm phương án để bù đắp lượng thiếu hụt khi giá dầu xuống dưới 100 USD một thùng đang là mối quan tâm chính trong các cuộc họp giữa các chuyên gia, thành viên Chính phủ thời gian qua. Nhà điều hành tính toán mỗi USD giá dầu giảm so với mức dự toán 100 USD sẽ khiến nguồn thu hụt khoảng 1.000 tỷ đồng. Như vậy, với việc giá dầu xuống dưới 55 USD, ngân sách nguy cơ thiếu khoảng 45.000 tỷ đồng. 

Song, đại diện Bộ Tài chính khẳng định kể cả khi giá dầu thô khiến nguồn thu ngân sách giảm khoảng 50.000 tỷ đồng, cơ quan này vẫn có biện pháp tăng thu nội địa để bù đắp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết con số vượt thu năm 2014 đạt 14%, cao hơn mức đóng góp của xuất khẩu dầu thô cho ngân sách (10%). Ông cũng tỏ ra tin tưởng vào phương án thu nợ thuế để bù đắp nếu giá dầu giảm. Hiện số nợ thuế vào khoảng 70.000 tỷ đồng, trong đó có 45.000 – 50.000 tỷ đồng còn khả năng thu hồi.

“Đến giờ phút này, nếu mức giảm thu do giá dầu xoay quanh 50.000 tỷ đồng thì sẽ không ảnh hưởng đến ngân sách”, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng xây dựng lại biểu thuế nhập khẩu xăng dầu. Nếu giá dầu xuống dưới 60 USD một thùng, thuế suất xăng dầu sẽ lên tối đa 40%, cao hơn 25-30% so với mức trần cũ. Nếu giá dầu từ 60-75 USD một thùng, mức thuế cao nhất là 35%, tăng 10%. Trong trường hợp giá dầu phục hồi về 75-95 USD, thuế tối đa sẽ là 25%, cao hơn 5% so với mức trần trước đây. Mức trên 95 USD một thùng, thuế cao nhất sẽ là 20%.

“Các phương án bổ sung nguồn thu cũng được báo cáo và chúng ta có thể tạm yên tâm vì phương án Bộ đưa ra là khả thi”, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên từng trấn an tại cuộc họp báo đầu tháng 12.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng khai thác dầu thô năm 2014 đạt hơn 15,5 triệu tấn, tăng gần 2% so với năm 2013. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ước tính sơ bộ bởi PVN cho biết đến ngày 9/12, đơn vị này đã khai thác 16,2 triệu tấn dầu và dự kiến năm nay sẽ vượt kế hoạch trên 1 triệu tấn.

Xuất khẩu dầu thô 12 tháng qua ước đạt hơn 9,1 triệu tấn, trị giá gần 7,2 tỷ USD, tăng 9% về lượng nhưng lại giảm 0,7% về giá trị so với năm ngoái. Tính bình quân, giá xuất khẩu dầu thô đã giảm từ mức đỉnh 129 USD một thùng hồi tháng 7 về còn 73,3 USD một thùng trong hai tháng cuối năm.

Trao đổi với VnExpress, bà Lê Thị Minh Thủy – Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho biết những tháng cuối năm, xuất khẩu dầu thô cao chủ yếu do những lo hàng đã được ký những tháng trước đó. “Điều này không có nghĩa là chúng ta tăng xuất khẩu khi giá giảm”, bà nói. Đánh giá về năm 2015, vị này nhìn nhận xuất khẩu dầu thô sẽ giảm khi mà nhà máy lọc dầu Dung Quất tăng sản lượng và Chính phủ thực hiện lộ trình giảm xuất khẩu khoáng sản.

Phương Linh

0913.756.339